Hàng mẫu là gì? Quy định về hình thức khuyến mại bằng hàng mẫu

1. Hàng mẫu là gì?

Hàng mẫu là hình thức khuyến mại, theo đó, thương nhận đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng sử dụng không phải trả tiền. Hàng mẫu cần được sử dụng khi thương nhân cần giới thiệu một sản phẩm mới hoặc sản phẩm đã cải tiến, do vậy, hàng hóa được đưa cho khách hàng dùng thử là hàng hóa đang bán hoặc sẽ được bán trên thị trường.      

Hàng hóa chính là sản phẩm cần được tăng sức mua thông qua hoạt động khuyến mại. Khuyến mại bằng hàng mẫu có nghĩa là thương nhân tạo điều kiện cho khách hàng được sử dụng sản phẩm miễn phí và phải là chính sản phẩm nằm trong chiến dịch xúc tiến thương mại của thương nhân. Hình thức này thường được áp dụng để tăng cầu đối với những sản phẩm lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường hoặc khi xâm nhập vào thị trường mới nơi người tiêu dùng chưa biết tới chúng hoặc còn tiêu thụ một cách dè dặt. Đối với các loại dịch vụ thương mại thì cung cấp dịch vụ lần đầu miễn phí cũng có thể là cách hiểu của hình thức hàng hóa mẫu theo nghĩa rộng.

Hàng mẫu được phân phát phổ biến bằng các hình thức như: gửi qua đường bưu điện; phân phát tận nhà; phát tại địa điểm bán hoặc có thể kết hợp trưng bày, chứng minh sản phẩm trong cửa hàng; kẹp vào bao bì của sản phẩm khác; hoặc đính kèm mẫu quảng cáo trên báo hay tạp chí. Theo như thủ thuật xúc tiến thương mại, hàng mẫu thường có khối lượng nhỏ hơn khối lượng thông thường của sản phẩm được bán trên thị trường. Điều này đối với khách hàng tiêu dùng, có ý nghĩa tốt và giảm rủi ro mua một sản phẩm mà từ trước đến lúc mua chưa được biết đến. Đối với thương nhân, đó là một cách phân phối mẫu tiết kiệm tối đa khoản tiền phải bỏ ra.

2. Quy định của pháp luật về hình thức khuyến mại bằng hàng mẫu:

Nếu như Luật thương mại năm 1997 chỉ quy định khuyến mại thông qua việc đưa hàng mẫu cho khách hành dùng thử không phải trả tiền thì đến Luật thương mại năm 2005, các nhà làm luật đã kịp thời bổ sung thêm hành vi cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền.

Bản chất của hàng mẫu là thương nhân để cho khách hàng dùng thử để kiểm nghiệm chất lượng ưu việt của sản phẩm đó so với chất lượng của các sản phẩm cùng loại khác đang được phân phối và sử dụng. Hàng mẫu, dịch vụ mẫu không kèm với việc mua hàng ở thời điểm nhận quà hay nhận dịch vụ mẫu mà thương nhân muốn hướng tới sự chú ý của khách hàng trong tương lai, vì vậy, pháp luật đã đặt ra những quy định cụ thể đối với hình thức khuyến mại này như sau:

Một là, điều kiện đối vời hàng mẫu, dịch vụ mẫu: Luật thương mại 2005 quy định hàng mẫu đưa cho khách hàng, dịch vụ mẫu cung ứng cho khách hàng dùng thử phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp mà thương nhân đang hoặc sẽ bán, cung ứng ra thị trường. Hàng hóa, dịch vụ hợp pháp là hàng hóa dịch vụ không rơi vào trường hợp các hàng hóa, dịch vụ cầm kinh doanh và hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh được liệt kê trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh ban hành kèm theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006. Chẳng hạn như dùng pháo nổ, sử dụng các đồ chơi điện tử có hại cho sức khỏe của trẻ em làm hàng mẫu cho một chương trình khuyến mại. Đối với hàng hóa, dịch vụ mẫu thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thì thương nhân chỉ được phép sử dụng để làm hàng mẫu, dịch vụ mẫu trong chương trình khuyến mại khi có các điều kiện liên quan theo quy định của pháp luật. 

Hai là, quyền và nghĩa vụ của thương nhân khi khuyến mại bằng hàng mẫu: Thương nhân được tự do lựa chọn thời gian, địa điểm khuyến mại, cách thức tổ chức phân phát hàng hóa, cung ứng dịch vụ mẫu, có thể tự mình hoặc thuê thương nhân khác thực hiện chương trình khuyến mại đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ cơ bản như: thực hiện chương trình một cách trung thực, công khai và minh bạch; đảm bảo cho khách hàng khi nhận hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu không phải thanh toán bất kỳ khoản phí nào. Mọi hoạt động liên quan đến việc phát tặng hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu cho khách hàng phải tuân theo quy định tại Điều 8 Nghị định Chính phủ số 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.   

Ba là, trình tự, thủ tục thực hiện: Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 81/2018/NĐ-CP thì trước khi thực hiện chương trình khuyến mại thương nhân phải gửi hồ sơ thông báo đến Sở Công Thương tối thiểu trước 03 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại (căn cứ theo ngày nhận ghi trên vận đơn bưu điện hoặc các hình thức có giá trị tương đương trong trường hợp gửi qua đường bưu điện, căn cứ theo ngày ghi trên giấy tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp nộp trực tiếp, căn cứ theo thời gian ghi nhận trên hệ thống thư điện tử hoặc căn cứ theo ngày ghi nhận trên hệ thống trong trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến).  

3. Ưu, nhược điểm của hình thức khuyến mại bằng hàng mẫu:

Mục đích chính của hình thức này là nhằm thăm do thị trường, tìm hiểu thị trường người tiêu dùng và thói quen của người tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ đó. Tuy nhiên, các thương nhân thường chỉ sử dụng hình thức này để xúc tiến thương mại khi các hình thức khuyến mại khác không đạt hiệu quả vì chi phí cho hoạt động này là rất lớn, chủ yếu là do chi phí giá trị của bản thân sản phẩm trong mẫu hàng, chi phí đóng gói và chi phí phân phát cao.

Nhưng mặt khác đây lại là một hình thức khuyến mại tốt nhất, gây ấn tượng mạnh, đánh trúng vào tâm lý khách hàng vì sự quảng cáo tốt nhất cho một sản phẩm chính là sản phẩm và một khi sản phẩm đã được công nhận, nó sẽ mở đường cho thương nhân tiến hành chiến dịch tiêu thụ rộng rãi.     

Hàng mẫu, dịch vụ mẫu để đưa cho khách hàng dùng thử không phải trả tiền phải là hàng hóa đang hoặc sẽ được bán trên thị trường hoặc dịch vụ đang hoặc sắp được cung ứng trên thị trường. Việc này giúp các thương nhân thăm dò nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng bằng cách kết hợp các chiến dịch phát hàng mẫu cùng với hoạt động xem xét phản hồi của người tiêu dùng để có được sự cải tiến về chất lượng sản phẩm kịp thời trước khi phân phối một cách chính thức và rộng rãi trên thị trường.

Hàng mẫu được nhà sản xuất tổ chức phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng giúp họ trực tiếp tiếp cận và sử dụng sản phẩm, và tự họ sẽ đưa ra những đánh giá, so sánh nhất định đối với những sản phẩm cùng loại về công dụng và đặc điểm cũng như mẫu mã của nó hoặc cũng có thể phát tận tay tời khách hàng của thương hiệu cạnh tranh nhằm thuyết phục họ dùng thử để so sánh với những sản phẩm mà họ vẫn quen sử dụng. Vì vậy, cho dù là được sử dụng như một loại vũ khí phòng ngự hay tấn công, hàng mẫu đều rất hiệu quả trong việc lưu giữ khách hàng cũ và kéo theo những khách hàng mới.      

Hình thức phân phối hàng mẫu chỉ đạt hiệu quả tốt khi được áp dụng trong các trường hợp như: tính ưu việt của sản phẩm so với các đối thủ canh tranh có thể được chứng minh dễ dàng thông qua việc dùng thử với những đặc điểm dễ thấy hoặc dễ so sánh (như mỹ phẩm); sản phẩm được sử dụng và mua thường xuyên (như xà phòng, bột giặt, dầu gội đầu); tiềm năng thị trường lớn và doanh nghiệp có khả năng tạo được lợi thế nhờ lợi ích cốt lõi của sản phẩm khó truyền đạt thông qua quảng cáo.

Ví dụ: Công ty sản xuất café lon uống liền trước khi tung sản phẩm ra thị trường người tiêu dùng thì họ đã thực hiện nhiều đợt phát đồ uống này miễn phí nhằm làm cho người tiêu dùng biết đến sản phẩm cũng như thưởng thức luôn để đánh giá về chất lượng của sản phẩm.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

Luật thương mại năm 2005

Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0938669199