1. Tạt axit vào người khác phạm tội gì?
Axít là loại hóa chất có khả năng tàn phá cơ thể rất khủng khiếp, đây là loại hóa chất vô cùng độc hại, tác động ngay lập tức khi tiếp xúc với cơ thể người và để lại nhiều biến chứng nặng nề suốt cuộc đời. Rất nhiều vụ án tạt axít khiến người bị hại bị thương tật vĩnh viễn. Tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều vụ án trả thù hoặc đánh ghen bằng hình thức tạt axít là một trong những vấn nạn vô cùng nhức nhối tuy nhiên chưa có giải pháp thực sự hiệu quả để bảo vệ và chăm sóc tốt cho nạn nhân. Đây là tổn thương không chỉ riêng đối với cá nhân mà còn là cả gia đình và toàn xã hội.
Trước hết cần phải khẳng định, hành vi tạt axít vào người khác hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác căn cứ theo quy định tại Điều 134 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017. Theo đó, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được xem là hành vi cố tình gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dưới dạng gây thương tích hoặc dưới dạng gây tổn hại khác.
Để xác định hành vi tạt axít vào người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội theo Điều 134 hay không, thì cần phải tìm hiểu dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm này. Theo đó, hành vi khách quan của tội này được quy định là hành vi gây thương tích hoặc hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Hành vi đó có khả năng gây ra thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của con người, những hành vi có thể được thể hiện với công cụ, phương tiện phạm tội, hoặc cũng có thể được thực hiện không có công cụ, không có phương tiện phạm tội, hoặc cũng có thể được thực hiện thông qua súc vật hoặc cơ thể của người khác. Hậu quả mà cấu thành tội phạm hướng tới là gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới tỷ lệ 11% nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc sử dụng thủ đoạn khác có nguy cơ gây nguy hiểm cho nhiều người. Trong đó:
+ Vũ khí bao gồm: vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng và tác dụng tương tự như dao, kiếm, mã tấu, cung …;
+ Vật liệu nổ bao gồm: thuốc nổ, phụ kiện nổ như dây nổ, môi nổ, dây cháy chậm, kíp nổ …;
+ Hung khí nguy hiểm là công cụ phạm tội có tính chất nguy hiểm cho con người cao hơn so với các công cụ phạm tội khác, tuy nhiên không phải là vũ khí hoặc vật liệu nổ. Ví dụ như: búa tạ, xà beng …;
-
Thủ đoạn gây nguy hiểm cho nhiều người được xem là thủ đoạn có khả năng gây ra thương tích hoặc gây tổn hại không chỉ cho một người mà cho nhiều người khác nhau như thủ đoạn bỏ hóa chất ngộ độc vào thức ăn chung …
-
Sử dụng axít nguy hiểm hoặc sử dụng các loại hóa chất nguy hiểm khác. Theo đó, axít nguy hiểm được xem là các loại axít có khả năng gây tổn thương cho các bộ phận cơ thể người khi tiếp xúc trực tiếp với axít đó. Hóa chất nguy hiểm là hóa chất bất kỳ tuy nhiên không phải là axít, có khả năng gây tổn hại cho sức khỏe của con người;
-
Phạm tội với người dưới 16 tuổi, phụ nữ biết là có thai, người già yếu, người ốm đau hoặc những cá nhân khác không có khả năng tự vệ;
-
Phạm tội đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo của mình, những người nuôi dưỡng và những người chữa bệnh cho mình;
-
Phạm tội có tổ chức;
-
Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ quyền hạn;
-
Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, đang bị tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành các biện pháp tư pháp giáo dục bắt buộc tại cơ sở giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào trường giáo dưỡng;
-
Thuê người gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
-
Phạm tội có tính chất côn đồ, hoặc phạm tội đối với người đang thi hành công vụ hoặc xuất phát vì lý do công vụ của nạn nhân.
Như vậy, hành vi tạt axít vào người khác hoàn toàn có thể phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nếu thỏa mãn đầy đủ cấu thành tội phạm của loại tội phạm này.
2. Tạt axit vào người khác bị đi tù bao nhiêu lâu?
Hành vi tạt axít vào người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo hình phạt của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017. Theo đó, điều luật này quy định năm khung hình phạt chính và một khung hình phạt cho người chuẩn bị phạm tội. Theo đó:
-
Khung hình phạt cơ bản có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
-
Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 02 năm đến 06 năm;
-
Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm;
-
Khung hình phạt tăng nặng thứ ba có mức phạt tù từ 07 năm đến 14 năm;
-
Khung hình phạt tăng nặng thứ tư có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân;
-
Khung hình phạt cho người chuẩn bị phạm tội trong trường hợp người chuẩn bị phạm tội chuẩn bị các loại vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, axít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc là hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm, có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Như vậy, người có hành vi tạt axít vào người khác có thể bị phạt tù với nhiều khung hình phạt khác nhau, tùy vào mức độ hậu quả gây ra trên thực tế, thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và cao nhất là tù chung thân.
3. Cần phải làm gì khi bị người khác tạt axit?
Khi bị tạt axit, hiện tượng bỏng axít sẽ xảy ra. Bỏng axít được xem là tai nạn nghiêm trọng nhất trong các loại hóa chất. Vết thương do axít có thể để lại biến chứng lâu dài, cần phải có những biện pháp sơ cứu càng nhanh càng tốt. Với đặc tính của axít, đặc biệt là axít “háo nước”, chúng sẽ nhanh chóng tấn công và phá hủy toàn bộ cơ thể của nạn nhân, những nạn nhân bị tấn công bởi axít thông thường sẽ có khuôn mặt bị biến dạng, thậm chí là bị mù vĩnh viễn, không thể phục hồi. Trong khoảng “thời gian vàng” để có thể sơ cứu ngay sau khi bị axít dính vào da, cần phải tiến hành một số công đoạn như sau:
Bước 1: Rửa sạch và làm dịu vùng bị bỏng axít. Rửa vết thương dưới vòi nước mát ít nhất 20 phút để có thể rửa trôi axít khỏi ra. Tuy nhiên cần phải lưu ý, không nên dùng vòi nước quá mạnh tiếp xúc trực tiếp với vết thương để tránh làm vết thương nặng hơn. Đồng thời, không để nước lan ra các phần khác trên cơ thể. Sau đó tiếp tục làm dịu vết thương.
Bước 2: Dùng một miếng băng gạc khử trùng quấn quanh vết thương bị bỏng. Nếu không có băng gạc, hãy sử dụng một miếng vải khô và sạch để tránh bụi bẩn làm ảnh hưởng đến vết thương.
Bước 3: Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Vết thương axít có thể ăn sâu vào trong cơ thể khiến cho nạn nhân trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị y tế kịp thời. Vì vậy, sau khi thực hiện các bước sơ cứu theo hướng dẫn nêu trên, cần phải đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của vết thương và tư vấn phương hướng điều trị kịp thời.
Đồng thời cần phải lưu ý, không nên làm những điều sau khi sơ cứu vết thương do axít để tránh tổn thương nghiêm trọng hơn: Không được rửa vết thương bằng cồn hoặc các loại dung dịch khác; không cố gắng cởi quần áo hoặc trang sức nếu chúng đang bị vướng vào vết bỏng; không chườm đá lạnh lên vết thương; không lau chùi vết thương bằng vải có tơ sợi để tránh nhiễm khuẩn; không sử dụng kem đánh răng hoặc dầu ăn để bôi lên vết thương bị bỏng axít.
Tổn thương do bị tạt axít có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách. Vì vậy, cần phải lưu ý một số vấn đề nêu trên.
THAM KHẢO THÊM: