Vẫn còn đang đi học có bị cấm kết hôn hay không?

1. Vẫn còn đang đi học có bị cấm kết hôn hay không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về kết hôn, theo đó kết hôn là Việt Nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình (trong đó có điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn). 

Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về điều kiện kết hôn. Theo đó, nam nữ kết hôn với nhau bắt buộc phải tuân thủ theo các điều kiện cơ bản sau:

  • Đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn, trong đó nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

  • Việc kết hôn sẽ do nam nữ tự nguyện quyết định, không bị lừa dối hoặc ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào;

  • Nam, nữ kết hôn với nhau phải đảm bảo hai người đều không bị mất năng lực hành vi dân sự;

  • Việc kết hôn không thuộc một trong những trường hợp bị cấm theo quy định của pháp luật.

Như vậy, pháp luật hiện nay quy định về điều kiện độ tuổi kết hôn dựa trên sự phát triển về thể chất và tinh thần của con người, dựa trên đặc điểm sinh học. Đến độ tuổi nhất định (nam từ đủ 20 tuổi và nữ từ đủ 18 tuổi) thì các bên nam nữ mới đạt được sự phát triển hoàn thiện, khi đó các bên mới đáp ứng độ tuổi về điều kiện kết hôn.

Đối chiếu với quy định về điều kiện kết hôn nêu trên, trong trường hợp cả hai bên nam nữ còn đang đi học không phải là lý do để cán bộ xã, phường từ chối thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Trong trường hợp các bên nam, nữ đã đủ độ tuổi kết hôn, kết hôn hoàn toàn tự nguyện, các bên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc trường hợp bị cấm kết hôn thì hoàn toàn có quyền đăng ký kết hôn mà không cần có sự đồng ý của hai bên bố mẹ.

Đối chiếu với quy định tại Điều 5 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014, có quy định về các trường hợp cấm kết hôn như sau:

  • Kết hôn giả tạo;

  • Cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn, tảo hôn;

  • Người đang có vợ hoặc đang có chồng tuy nhiên thực hiện thủ tục kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng tuy nhiên thực hiện thủ tục kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với những người đang có vợ hoặc đang có chồng;

  • Những người cùng dòng máu về trực hệ, người có họ trong phạm vi ba đời, kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa những người từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, mẹ kế với con riêng của chồng hoặc cha dượng với con riêng của vợ.

Các trường hợp nam, nữ thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuy nhiên một bên hoặc cả hai bên vi phạm quy định về điều kiện kết hôn trong các trường hợp nêu trên thì sẽ bị coi là kết hôn trái pháp luật.

Như vậy, để được kết hôn thì nam phải đáp ứng độ tuổi từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Trong trường hợp các bên vẫn còn đi học thì vẫn được quyền đăng ký kết hôn nếu đáp ứng được điều kiện về độ tuổi và các điều kiện khác theo quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân gia đình năm 2014.

2. Kết hôn khi chưa đủ tuổi bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 58 của Nghị định 82/2020/NĐ-CP, có quy định về hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn. Theo đó:

  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi tổ chức lấy vợ, tổ chức lấy chồng cho người chưa đủ độ tuổi kết hôn;

  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với cá nhân là người chưa đủ độ tuổi kết hôn, mặc dù đã có bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Theo đó, trong trường hợp cá nhân có hành vi tổ chức kết hôn với người chưa đủ tuổi thì sẽ bị phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, trong trường hợp đã có bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật trên thực tế tuy nhiên vẫn duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ độ tuổi kết hôn thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức vi phạm thì sẽ áp dụng mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân trong cùng một hành vi vi phạm.

3. Kết hôn khi chưa đủ tuổi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Nhìn chung, tảo hôn được xem là hành vi vi phạm quy định của pháp luật và bị xử phạt theo các điều luật tương ứng. Trong nhiều trường hợp, việc kết hôn với người chưa đủ độ tuổi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Pháp luật hiện nay đã có nhiều quy định ngăn cấm việc tảo hôn tuy nhiên hiện tượng này vẫn đang diễn ra trên thực tế, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa. Tảo hôn là thực trạng mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực, vì vậy cần phải loại bỏ và ngăn ngừa.

Căn cứ theo quy định tại Điều 183 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 có quy định về Tội tổ chức tảo hôn. Theo đó, tội phạm này xâm phạm đến nguyên tắc cơ bản của luật hôn nhân gia đình Việt Nam, đó là nguyên tắc hôn nhân tự nguyện tiến bộ. Theo nguyên tắc này, việc kết hôn của các bên nam nữ cần phải tuân thủ theo điều kiện về độ tuổi kết hôn, nhằm đảm bảo người kết hôn đã có sự phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, nhận thức được trách nhiệm đối với gia đình, trách nhiệm đối với xã hội cũng như có khả năng tự chủ được cuộc hôn nhân của mình.

Hành vi khách quan của tội tổ chức tảo hôn là hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đến độ tuổi kết hôn. Đối tượng của hành vi tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng là những cá nhân chưa đủ độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình. Điều luật này chỉ đòi hỏi một bên vợ hoặc một bên chồng chưa đủ độ tuổi kết hôn, tức là nam chưa đủ 20 tuổi hoặc nữ chưa đủ 18 tuổi căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, trên thực tế có thể xảy ra trường hợp cả hai bên đều chưa đủ độ tuổi kết hôn. Hành vi tổ chức việc lấy vợ, tổ chức việc lấy chồng cho người chưa đến độ tuổi kết hôn là hành vi sắp đặt, quyết định, tiến hành nghi lễ, lễ cưới cho các bên nam nữ chưa đủ độ tuổi kết hôn hoặc một trong hai bên chưa đủ độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.

Lỗi của chủ thể thực hiện tội phạm này là lỗi cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội biết rõ cả hai bên hoặc một người trong hai bên mà mình tổ chức lễ cưới chưa đến độ tuổi kết hôn, nhận thức được hành vi của mình là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện và mong muốn cho hậu quả xảy ra. Và hành vi tổ chức tảo hôn chỉ cấu thành tội phạm trong trường hợp chủ thể là người đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này này tiếp tục vi phạm.

Điều luật quy định 01 khung hình phạt, đó là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, tùy vào mức độ truy cứu trách nhiệm.

THAM KHẢO THÊM:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0938669199