1. Trường hợp kết hôn trái luật vẫn được công nhận vợ chồng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về vấn đề xử lý việc kết hôn trái pháp luật. Theo đó:
-
Xử lý việc kết hôn trái pháp luật của các bên nam, nữ sẽ được Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình và pháp luật về tố tụng dân sự;
-
Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án tiến hành thủ tục giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên nam, nữ kết hôn đã đáp ứng được đầy đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, và đồng thời hai bên nam/nữ yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án sẽ công nhận quan hệ hôn nhân đó của các bên. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân sẽ được xác lập kể từ thời điểm các bên đáp ứng đầy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình;
-
Quyết định của Tòa án về vấn đề hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc quyết định công nhận quan hệ hôn nhân cần phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn để cán bộ tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, gửi cho hai bên kết hôn trái pháp luật, cá nhân, cơ quan và tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
-
Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan có thẩm quyền chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp trong quá trình hướng dẫn, thực hiện quy định về vấn đề hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Như vậy, Tòa án trong quá trình giải quyết hủy việc kết hôn trái pháp luật vẫn có thể công nhận quan hệ vợ chồng khi đáp ứng được hai điều kiện sau đây:
-
Cả hai bên nam, nữ đều đã đáp ứng đầy đủ điều kiện kết hôn. Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về điều kiện kết hôn, theo đó nam, nữ kết hôn với nhau cần phải tuân thủ các điều kiện sau đây: Nam đáp ứng độ tuổi từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do các bên tự nguyện quyết định, không bị lừa dối hoặc ép buộc; các bên kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự; việc kết hôn không thuộc một trong những trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014;
-
Cả hai bên đều yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đó là Toà án công nhận quan hệ hôn nhân.
Có thể phân tích một số trường hợp cụ thể như sau:
(1) Trường hợp kết hôn vi phạm quy định về độ tuổi kết hôn. Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về điều kiện độ tuổi kết hôn, điều kiện về độ tuổi kết hôn đối với nam là từ đủ 20 tuổi trở lên và đối với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên. Việc xác định độ tuổi sẽ được tính theo ngày, tháng, năm sinh của cá nhân. Ví dụ như: Nữ sinh 10/02/1998 thì đến 10/02/2016 mới đủ 18 tuổi. Như vậy, tính tại thời điểm Tòa án giải quyết hủy việc kết hôn trái pháp luật mà các bên nam, nữ đều đã đáp ứng độ tuổi và cùng nhau yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì hai bên vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp, tính kể từ thời điểm hai bên đều đã đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân gia đình.
(2) Trường hợp lừa dối kết hôn hoặc cưỡng ép kết hôn. Đối với trường hợp này, Hội đồng thẩm phán đã có hướng dẫn cụ thể tại khoản d Điều 2 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP. Theo đó, sau khi bị ép buộc kết hôn, lừa dối kết hôn, cưỡng ép kết hôn tuy nhiên bên bị ép buộc/lừa dối/cưỡng ép đã biết về vấn đề đó, thông cảm, tiếp tục chung sống hòa thuận với bên còn lại thì Tòa án sẽ không hủy việc kết hôn trái pháp luật của các bên.
(3) Trường hợp kết hôn với người bị mất năng lực hành vi dân sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Dân sự năm 2015, khi không còn căn cứ tuyên bố một cá nhân là người bị mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án sẽ ra quyết định về việc hủy bỏ Quyết định tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự. Như vậy, đối với trường hợp này, trong trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự đã được Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, đáp ứng đầy đủ điều kiện để kết hôn khác thì sẽ được công nhận là vợ chồng hợp pháp.
Tóm lại, nam nữ khi kết hôn trái pháp luật tại thời điểm Tòa án giải quyết hủy được kết hôn trái pháp luật, nhận thấy các bên đã đáp ứng đầy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật, đồng thời hai bên đều có yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án vẫn sẽ công nhận quan hệ hôn nhân hợp pháp giữa vợ và chồng.
2. Kết hôn trái luật bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 59 của Nghị định 82/2020/NĐ-CP, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Theo đó:
(1) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi bị phạm quy định của pháp luật như sau:
-
Đang có vợ hoặc đang có chồng tuy nhiên thực hiện thủ tục kết hôn với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng tuy nhiên kết hôn với người mà mình biết rõ là cá nhân đó đang có vợ hoặc đang có chồng;
-
Đang có vợ hoặc đang có chồng tuy nhiên chung sống như vợ chồng với cá nhân khác;
-
Chưa có vợ hoặc chưa có chồng tuy nhiên chung sống như vợ chồng với cá nhân mà mình biết rõ là người đó đang có vợ hoặc đang có chồng;
-
Cản trở kết hôn tự nguyện tiến bộ, yêu sách của cải trong quá trình kết hôn hoặc cản trở ly hôn;
-
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, mẹ vợ với con rể, cha chồng với con dâu, mẹ kế với con riêng của chồng hoặc cha dượng với con riêng của vợ.
(2) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
-
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
-
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người là cha mẹ nuôi với con nuôi;
-
Cưỡng ép kết hôn, cưỡng ép ly hôn, lừa dối kết hôn hoặc lừa dối ly hôn;
-
Lợi dụng thủ tục kết hôn để xuất nhập cảnh trái phép, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam hoặc nhập quốc tịch nước ngoài; lợi dụng cho kết hôn để hưởng chế độ ưu đãi và một số chính sách của nhà nước hoặc để đạt được một số loại khác, không nhằm mục đích xây dựng hôn nhân tự nguyện tiến bộ;
-
Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, vi phạm pháp luật về dân số kế hoạch hóa gia đình hoặc để đạt được một số lợi ích khác không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Ngoài ra, việc kết hôn trái pháp luật còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là: Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy chứng nhận kết hôn đã được cấp, các loại giấy tờ và văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.
3. Kết hôn trái luật có bị truy cứu hình sự không?
Trường hợp kết hôn trái pháp luật ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng tại Bộ luật Hình sự. Gồm các tội danh phổ biến như:
(1) Tội cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ căn cứ theo quy định tại Điều 181 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017. Được thực hiện bằng hành vi: hành hạ, ngược đãi, uy hiếp về tinh thần hoặc sử dụng các thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này tuy nhiên còn tiếp tục vi phạm. Có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
(2) Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng căn cứ theo quy định tại Điều 182 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017. Theo đó, đây là hành vi làm cho quan hệ hôn nhân của một bên hoặc hai bên phải ly hôn, hoặc đã từng bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tiếp tục vi phạm; hình phạt có thể được áp dụng phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
(3) Tội tổ chức tảo hôn căn cứ theo quy định tại Điều 183 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017. Theo đó, đây là hành vi tổ chức lấy vợ, tổ chức lấy chồng cho cá nhân khi chưa đủ độ tuổi, đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này tuy nhiên còn tiếp tục vi phạm. Hành vi này bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
THAM KHẢO THÊM: