Giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lý, bao gồm hành vi pháp lý đơn phương hoặc đa phương ( hợp đồng) làm phát sinh hậu quả pháp lý.Tùy theo từng giao dịch cụ thể mà giao dịch đó làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Ví dụ như khi một giao dịch dân sự chuyển nhượng mua bán đất xảy ra sẽ làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của cả bên bán và bên mua.
1. Hình thức của giao dịch dân sự:
Căn cứ theo điều 119
Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Hình thức của giao dịch dân sự là cách thức biểu hiện ra bên ngoài của những nội dung của nó dưới một dạng vật chất hữu hình nhất định. Giao dịch dân sự được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm: lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể.
Hình thức giao dịch bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể thường áp dụng cho những giao dịch dân sự được thực hiện hoặc chấm dứt ngay sau khi thực hiện ( như mua bán trao tay) hoặc áp dụng giữa những chủ thể có sự tin cậy hoặc mối quạn hện thân thiết.
Hình thức giao dịch dân sự thể hiện bằng văn bản là việc các bên chủ thể lập bằng
Theo đó, quy định này có thể được hiểu: trong trường hợp pháp luật quy định chỉ được thể hiện bằng một trong ba hình thức: văn bản có công chứng, văn bản có chứng thực hoặc văn bản có đăng ký thì các bên chỉ được lựa chọn duy nhất một hình thức đó. Cách hiểu khác: nếu luật cho phép hình thức giao dịch thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực và đăng ký thì giao dịch đó phải thể hiện cả ba dạng văn bản này. Do vậy đối với các giao dịch dân sự cần thể hiện bằng văn bản này thì cần có hướng dẫn cụ thể khi thực hiện pháp luật.
Ý nghĩa: Giao dịch dân sự là căn cứ phổ biến, thông dụng nhất trong các căn cứ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự, trong việc di chuyển tài sản và cung ứng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tất cả các thành viên trong xã hội. Trong nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, thông qua giao dịch dân sự, các chủ thể đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, các nhu cầu khác trong cuộc sống hàng ngày.
2. Giao dịch dân sự có điều kiện:
Điều 120. Giao dịch dân sự có điều kiện
1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.
2. Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.
Khi có một giao dịch dân sự được xác lập thì các bên có thể thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực hoặc thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự khi xuất hiện sự kiện khách quan. Sự kiện là điều kiện mang tính dự liệu khả năng có thể xảy ra nhưng không chắc chắn xảy ra trong tương lai. Giao dịch dân sự có điều kiện phát sinh hiệu lực là giao dịch đã giao kết nhưng chưa có hiệu lực và các bên phải thực hiện giao dịch. Ngươc lại, giao dịch dân sự có điều kiện hủy bỏ là giao dịch đang thực hiện, chưa hết thời hạn nhưng xuất hiện điều kiện thỏa thuận thì giao dịch bị hủy bỏ. Đối với giao dịch có điều kiện thì sự kiện được coi là điều kiện phải xảy ra một cách khách quan, nếu một bên chủ thể có hành vi ngăn cản trực tiếp hoặc gián tiếp không có điều kiện xảy ra hoặc phải thực hiện nghĩa vụ thúc đẩu cho điều kiện đó nhanh chóng xảy ra hoặc không xảy ra. Hậu quả pháp lý của giao dịch phát sinh hoặc chấm dứt theo các điều kiện thỏa thuận của các bên khi thực hiện giao dịch dân sự.
3. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:
Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Để đảm bảo một giao dịch dân sự có hiệu lực thì phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện tại điều 117 của bộ luật dân sự 2015 quy định. Nếu thiếu một trong các điều kiện này thì giao dịch dân sự đương nhiên hoặc có thể bị coi là vô hiệu:
– Điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch dân sự: Chủ thể tham gia giao dịch dân sự ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự. Chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập. Chủ thể tham gia giao dịch dân sự là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình trong việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự và tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các giao dich dân sự.
Tùy thuộc vào các mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân mà cá nhân được tham gia vào các giao dịch phù hợp với độ tuổi. Các đối tượng là pháp nhân tham gia giao dịch dân sự thông qua người đại diện của mình. Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
– Điều kiện về mục đích và nội dung của giao dịch dân sự: Ở đây mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi tham gia giao dịch dân sự. Nội dung của giao dịch dân sự là tổng hợp các điều khoản, các cam kết xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, có tính chất ràng buộc các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Trong quan hệ giao dịch, các chủ thể có quyền tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận nhằm đáp ứng lợi ích mà các bên mong muốn đạt được nhưng không vi phạm những điều cấm của pháp luật, không trái với quy tắc ứng xử thông thường của người dân.
– Điều kiện về sự tự nguyện khi xác lập giao dịch dân sự: Về mặt bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí nên chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện trong việc thể hiện và bày tỏ ý chí của mình. Trước khi tham gia giao dịch dân sự, các chủ thể có quyền tự do tự quyết định tham gia hay không tham gia giao dịch dân sự, không bị chi phối hoặc không bị ép buộc, cấm đoán, đe dọa.
– Điều kiện về hình thức của giao dịch dân sự: Hình thức của giao dịch dân sự là phương thức thể hiện nội dung của giao dịch. Các bên chủ thể có quyền lựa chọn hình thức phù hợp để xác lập giao dịch. Tuy nhiên, một số trường hợp pháp luật quy định hình thức bắt buộc thì các bên phải tuân theo, nếu vi phạm giao dịch sẽ không có hiệu lực.
4. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định hình thức:
Tóm tắt câu hỏi:
Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên,
2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Anh chị có thể phân tích giúp em được không ạ? Em cảm ơn?
Luật sư tư vấn:
Đối với quy định giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức, tại Điều 134 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
“trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.”
Quy định này yêu cầu các bên khi thực hiện giao dịch dân sự mà hình thức giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch, các bên phải tuân thủ. Nếu các bên không tuân thủ quy định về hình thức giao dịch, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.
Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế quy định, đã gặp nhiều vướng mắc và khó đảm bảo tính khả thi vì trong nhiều trường hợp, một trong các bên trong giao dịch không hợp tác để thực hiện quy định về hình thức của giao dịch, mặc dù giao dịch được giao kết trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên, dẫn tới giao dịch vô hiệu.
Do đó, tại Điều 129 Bộ Luật dân sự 2015 đã thay đổi quy định này như sau:
“Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”
Theo đó, quy định giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức là giao dịch dân sự vô hiệu, nhưng loại trừ 2 trường hợp:
1, Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng việc xác lập văn bản không đúng quy định của luật:
Khi đó, một bên hoặc các bên trong giao dịch đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ, thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó;
2, Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực:
Khi đó, một bên hoặc các bên trong giao dịch dân sự đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ của mình, thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Như vậy, với quy định này, một giao dịch vi phạm quy định về hình thức nhưng các bên tham gia giao dịch tích cực, thiện chí thực hiện giao dịch, đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì giao dịch đó không bị xác định là giao dịch vô hiệu.