Chưa ly hôn có đăng ký kết hôn với người khác được không?

Hiện nay, có nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn đã cảm thấy cuộc sống hôn nhân không hoà hợp, không có tiếng nói chung và nhiều mâu thuẫn xảy ra không có hướng giải quyết. Do những bất cập đó mà nhiều người muốn tìm đến một cuộc sống hôn nhân mới với người mới. Nhưng thực tế lại đặt ra một vấn đề là liệu rằng chưa ly hôn có thể kết hôn với người khác được hay không? Muốn kết hôn với người khác phải làm như thế nào?

Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 0938669199

1. Quy định của pháp luật về kết hôn:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, kết hôn là việc một người nam và một người nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về các điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

Theo quy định tại Điều 8 của pháp luật về Hôn nhân và Gia đình hiện hành, nam nữ muốn kết hôn và đăng ký kết hôn với nhau phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

– Về độ tuổi: nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Việc kết hôn giữa hai người phải xuất phát từ sự tự nguyện của hai người;

– Cả hai bên nam và nữ không bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp bị cấm theo quy định của luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể:

+ Cấm kết hôn giả tạo hoặc ly hôn giả tạo;

+ Cấm hành vi cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở việc kết hôn, tảo hôn;

+ Cấm việc kết hôn đối với người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người khác như vợ chồng hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người khác như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng;

+ Cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu trực hệ; giữa những người có cùng huyết thống trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa những người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa mẹ chồng với con rể và bố chồng với con dâu; giữa cha dượng với con riêng của vợ hoặc mẹ kế với con riêng của chồng.

+ Cấm kết hôn giữa những người bị mất năng lực hành vi dân sự không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình hoặc bị Toà án tuyên bố là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y về tâm thần.

2. Chưa ly hôn thì có được kết hôn với người khác không?

Việc chưa ly hôn mà kết hôn với người khác là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật hiện hành. Tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng với người khác.

Do đó, khi đang trong mối quan hệ hôn nhân vợ chồng theo quy định của pháp luật thì không thể kết hôn với người khác. Nếu trong trường hợp không muốn tiếp tục cuộc sống hôn nhân hiện tại và muốn đi tới một cuộc sống hôn nhân với người mới thì người vợ hoặc chồng đang trong quan hệ hôn nhân cần thực hiện các thủ tục ly hôn tại Toà án. Sau khi hoàn tất thủ tục ly hôn và nhận được Quyết định hoặc Bản án về việc công nhận ly hôn giữa hai vợ chồng thì mới có thể tiến tới kết hôn với người mới. Khi này người đó mới có đầy đủ điều kiện để kết hôn với người mới.

Tuy nhiên, pháp luật cũng có quy định 02 trường hợp được phép kết hôn với người khác khi chưa ly hôn. Cụ thể là:

– Trường hợp 1: Hôn nhân được xác lập trước ngày 13/1/1960 thì được kết hôn với người khác khi chưa ly hôn.

Năm 1960 là thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 có hiệu lực thi hành. Khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 có hiệu lực thì nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng được áp dụng bắt buộc. Do đó, những trường hợp kết hôn từ ngày 13/1/1960 phải bắt buộc thực hiện theo nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng. Bắt buộc khi kết hôn với người khác phải chấm dứt quan hệ hôn nhân cũ mới được xem làm hợp pháp. Còn những trường hợp kết hôn trước ngày 13/1/1960 chưa chịu sự điều chỉnh của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 thì dù có đang trong cuộc sống hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng thì vẫn không bị vi phạm nguyên tắc.

Tuy nhiên, xét theo hoàn cảnh lịch sử đất nước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 có hiệu lực, đất nước ta đang ở dưới chế độ Ngô Đình Diệm tại miền Nam nên Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 chỉ có hiệu lực từ ngày 25/3/1977 theo Nghị quyết số 76/CP năm 1977. Vì vậy mà hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng tại miền Nam vẫn được coi là hợp pháp nếu diễn ra trước ngày 25/3/1977.

– Trường hợp 2: Hôn nhân của bộ đội, các cán bộ có vợ, có chồng ở miền Nam tập kết ra Bắc lấy vợ, lấy chồng khác.

Trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, nhiều cán bộ, bộ đội miền Nam phải tập kết ra Bắc, chịu cảnh chia xa gia đình, vợ con để tham gia vào công cuộc bảo vệ đất nước. Trong thời gian chiến đấu tại miền Bắc, nhiều cán bộ, bộ đội đã có tình cảm và kết hôn với người mới tại miền Bắc. Chính vì vậy mà Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 60/TATC ngày 22/2/1978 để hướng dẫn về quan hệ hôn nhân đặc biệt trong thời chiến này. Theo Thông tư này, nếu người vợ hoặc người chồng khi biết chồng hoặc vợ của mình đã có quan hệ hôn nhân với người khác ở miền Bắc mà vẫn không có quan hệ hôn nhân mới và muốn duy trì quan hệ hôn nhân trước đây thì pháp luật công nhận cả hôn nhân mới và hôn nhân trước đây.

Cần lưu ý, Thông tư số 60/TATC chỉ áp dụng với đối tượng là cán bộ, bộ đội đã có vợ hoặc có chồng ở miền Nam và tập kết ra miền Bắc lấy vợ hoặc lấy chồng khác. Thông tư này cũng chỉ được thực hiện trong thời gian từ sau ngày ký Hiệp định Gernever ( ngày 20/7/1954) đến ngày Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố thống nhất đất nước (ngày 30/4/1975).

3. Xử lý vi phạm khi chưa ly hôn mà đăng ký kết hôn với người khác:

Việc chưa ly hôn mà đăng ký kết hôn với người khác là vi phạm pháp luật Hôn nhân và gia đình nói riêng và pháp luật nói chung. Khi vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, xử lý vi phạm hành chính, thậm chí có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.

3.1. Xử lý vi phạm khi chưa ly hôn mà đăng ký kết hôn với người khác theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

Việc chưa ly hôn mà kết hôn với người khác là vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Cụ thể, theo điểm c khoản 1 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cấm người đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ hoặc có chồng. Khi vi phạm điều cấm của Luật thì sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình. Trong trường hợp này có thể là buộc chấm dứt hành vi vi phạm.

3.2. Xử lý vi phạm hành chính khi chưa ly hôn mà kết hôn với người khác:

Khi vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng thì người vợ hoặc chồng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 110/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định về các hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, vi phạm quy định về ly hôn. Theo đó, Điều 48 Nghị định này quy định, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thuộc trường hợp cấm :

– Người đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn với người khác hoặc chưa có vợ, có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có vợ, có chồng;

– Người đang có vợ hoặc đang có chồng mà sống chung với người khác như vợ chồng;

– Người chưa có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là người đó đang có vợ hoặc có chồng;

– Những người kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;

– Những người kết hôn trong phạm vi ba đời;

– Kết hôn giữa những người từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, mẹ vợ với con rể, bố chồng với con dâu, bố dượng với con riêng của vợ hoặc mẹ kế với con riêng của chồng.

Bên cạnh đó, người có hành vi lợi dụng việc ly hôn để vi phạm chính sách pháp luật về dân số và trốn tránh nghĩa vụ tài sản sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

3.3. Xử lý hình sự khi chưa ly hôn mà kết hôn với người khác:

Khi vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng sẽ bị xử lý hình sự. Cụ thể, tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định biện pháp xử lý người vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng. Theo đó, người nào đang có vợ, chồng mà chung sống như vợ chồng hoặc kết hôn với người khác hoặc người chưa có vợ, có chồng mà chung sống hoặc kết hôn với người khác mà họ biết rõ là người đó đang có vợ, có chồng thuộc các trường hợp sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

– Làm cho quan hệ của một trong hai bên dẫn đến ly hôn;

– Đã bị xử lý vi phạm hành chính đã nêu ở phần 3.2 mà còn tái phạm.

Bên cạnh đó, khi vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

– Làm cho vợ, chồng hoặc con cái của một trong hai bên tự sát;

– Đã có quyết định của Toà án về việc huỷ việc kết hôn trái pháp luật hoặc bắt buộc chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với quy định pháp luật mà vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ đó.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0938669199