Khuyến mại giảm giá là gì? Đặc điểm của khuyến mại giảm giá?

1. Hình thức khuyến mại giảm giá là gì?

Khoản 1 Điều 88 Luật Thương mại 2005 đưa ra định nghĩa về khuyến mại như sau: ”Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định”.

So với Luật Thương mại (1997), Luật Thương mại (2005) khi định nghĩa về khuyến mại đã có bổ sung hai điểm, đó là về mục đích của khuyến mại và cách thức khuyến mại thông qua quan hệ dịch vụ. Cụ thể là, mục đích của khuyến mại không chỉ nhằm xúc tiến việc bán hàng mà còn nhằm xúc tiến việc mua hàng và cung ứng dịch vụ.

Nói tóm lại, khuyến mại có thể được hiểu là cách thức, biện pháp thu hút khách hàng thông qua việc dành lợi ích cho khách hàng, bao gồm lợi ích vật chất (tiền, hàng hóa) hay lợi ích phi vật chất (được cung ứng dịch vụ miễn phí) nào đó. Dấu hiệu dành cho khách hàng những lợi ích nhất định này chính là dấu hiệu để phân biệt hoạt động khuyến mại với các hình thức xúc tiến thương mại khác.

Theo quy định tại Điều 92 Luật Thương mại (2005) về hoạt động xúc tiến thương mại, các hình thức khuyến mại được áp dụng phổ biến trong hoạt động thương mại, bao gồm: hàng mẫu; tặng quà; giảm giá; bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, phiếu dự thi; bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi và tổ chức các sự kiện vì mục đích khuyến mại.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể thực hiện các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận. Trong thực tế, các hình thức khuyến mại này là các hình thức khuyến mại truyền thống và phổ biến, luôn được các doanh nghiệp áp dụng khá linh hoạt và có sự kết hợp giữa nhiều hình thức cùng một lúc, như vừa giảm giá vừa tặng quà, vừa giảm giá vừa bốc thăm trúng thưởng, giảm giá hoặc tặng quà trong những “giờ vàng mua sắm” nhất định trong ngày,…Tuy nhiên, giảm giá vẫn thường là hình thức được doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất.

Theo quy định tại  Luật Thương mại (2005), hình thức khuyến mại giảm giá là “Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã được đăng ký hoặc thông báo. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện thao quy định của Chính phủ”. Vậy khuyến mại giảm giá là việc bán hàng, cung ứng dịch vụ trong thời gian khuyến mại với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó theo quy định của pháp luật.

2. Đặc điểm của khuyến mại giảm giá:

Một là đặc điểm về chủ thể. Chủ thể thực hiện hành vi khuyến mại phải là thương nhân. Thương nhân được phép tự mình tổ chức thực hiện việc khuyến mại, cũng có thể thực hiện dịch vụ khuyến mại cho thương nhân khác để kinh doanh thông qua hợp đồng dịch vụ khuyến mại giữa thương nhân có nhu cầu khuyến mại và thương nhân kinh doanh dịch vụ.

Hai là đặc điểm về cách thức xúc tiến thương mại. Thương nhân sẽ đạt được mục đích kích thích nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ của khách hàng bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Tùy thuộc vào mục tiêu của đợt khuyến mại, tùy thuộc vào trạng thái cạnh tranh, phản ứng của đối thủ cạnh tranh trên thương trường và điều kiện kinh tế dành cho khuyến mại, lợi ích mà thương nhân dành cho khách hàng có thể là những lợi ích vật chất như tặng quà, tặng hàng mẫu để dùng thử, mua hàng giảm giá … hoặc là lợi ích phi vật chất như tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật… Khách hàng được khuyến mại có thể là người tiêu dùng hoặc các trung gian phân phối như các đại lý bán hàng.

Ba là đặc điểm về mục đích của khuyến mại. Mặc dù khuyến mại cũng có mục đích xúc tiến việc bán hàng và cung ứng dịch vụ như các hình thức xúc tiến thương mại khác nhưng để thực hiện mục đích này, các đợt khuyến mại có thể hướng tới mục tiêu lôi kéo hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ của khách hàng, giới thiệu một sản phẩm mới, kích thích trung gian phân phối chú ý hơn nữa đến hàng hóa của doanh nghiệp, tăng lượng hàng đặt mua… thông qua đó tăng thị phần của doanh nghiệp trên thị trường hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, hình thức khuyến mại giảm giá vẫn mang những đặc điểm riêng để phân biệt với các hình thức khác, đó là:

Thứ nhất, về lợi ích cụ thể khách hàng được hưởng: lợi ích đó là được mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ có giá thấp hơn giá trị hàng hóa, dịch vụ đó trước khi khuyến mai. “Giá” ở đây có thể được hiểu là giá trị cùa hàng hóa phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định. Việc so sánh giá của hàng hóa tại thời điểm khuyến mại với thời gian trước đó sẽ là căn cứ xác nhận tính hợp pháp của chương trình khuyến mại, giảm giá.

Thứ hai, giảm giá phải trong một chừng mực nhất định, tuân theo những nguyên tắc, các quy định về thời gian, hạn mức khuyến mại giảm giá do pháp luật Việt Nam đặt ra. Doanh nghiệp được tự do cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước bảo hộ quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh. Thế nhưng việc cạnh tranh phải được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp của người tiêu dùng theo các quy định của pháp luật.

Đặc điểm này giúp chúng ta phân biệt giữa hình thức khuyến mại giảm giá hợp pháp với hành vi bán phá giá. Để xác định được đó là hình thức khuyến mại giảm giá hợp pháp, hay hành vi bán phá giá,một hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ cần phải căn cứ theo các quy định về thời gian, hạn mức khuyến mại giảm giá của pháp luật Việt Nam.

3. Các hình thức khuyến mại:

Căn cứ tại Điều 92 Luật Thương mại 2005 và được hướng dẫn tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP, có 09 hình thức khuyến mại được quy định như sau:

(1) Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền.

(2) Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền.

(3) Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá trị thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. Đối với trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

(4) Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định.

(5) Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.

(6) Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.

(7) Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hoá, dịch vụ hoặc các hình thức khác.

(8) Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.

(9) Các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0938669199