Người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ bị xử lý như thế nào?

1. Người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ bị xử lý như thế nào?

Đối với hành vi tấn công, gây thương tích của người nhà bệnh nhân đối với bác sĩ và các nhân viên y tế thì tùy thuộc vào mức độ cũng như tính chất của hành vi, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp hành vi tấn công, hành hung bác sĩ có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích và gây tổn hại cho sức khỏe của người khác căn cứ theo quy định tại Điều 134 Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017. Bác sĩ trong tình huống bị đánh cần phải được bảo vệ và cũng có quyền phòng vệ. Để phòng vệ không bị vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng thì bác sĩ cần phải tìm hiểu rõ quy định của pháp luật về phòng vệ chính đáng.

Vì thế, người nhà bệnh nhân có hành vi đánh bác sĩ hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn cấu thành tội phạm và xâm phạm trực tiếp đến khách thể do pháp luật hình sự bảo vệ. Căn cứ theo quy định tại Điều 134 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 có quy định:

Khung 1: Người nào có hành vi cố tình gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc với tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% tuy nhiên thuộc một trong những trường hợp sau đây thì có thể bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Dùng vũ khí, sử dụng các loại vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

  • Dùng axít nguy hiểm hoặc sử dụng các loại hóa chất nguy hiểm;

  • Phạm tội có tổ chức;

  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình phạm tội;

  • Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ khi biết đó là phụ nữ có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

  • Phạm tội đối với ông bà, cha mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, phạm tội đối với những người nuôi dưỡng và chữa bệnh cho mình;

  • Có tính chất côn đồ;

  • Đối với người đang trong thời gian thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

  • Phạm tội trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang trong thời gian chấp hành án phạt tù, hoặc đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại các cơ sở giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dưỡng hoặc đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc;

  • Có hành vi thuê người gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê.

Khung 2: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với mức độ tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% tuy nhiên thuộc một trong những trường hợp: điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều 134 thì có thể bị áp dụng biện pháp phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Khung 3: Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị áp dụng hình thức phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.

Khung 4: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% tuy nhiên thuộc một trong những trường hợp: điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều 134 thì có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

Khung 5: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì bị áp dụng mức phạt tù từ 10 năm đến 15 năm;

Khung 6: Thuộc một trong những trường hợp sau đây thì có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Làm chết với số lượng hai người trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người là 61% trở lên, hoặc gây thương tích vào vùng mặt của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể của người đó là 61% trở lên;

Người chuẩn bị phạm tội thì có thể bị áp dụng mức phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Như vậy, hành vi đánh bác sĩ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 134 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 khi bác sĩ có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong những trường hợp liệt kê tại khoản 1 Điều 134.

2. Mức phạt tiền đối với những người nhà bệnh nhân có hành vi đánh bác sĩ?

Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 48 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP, có quy định về mức xử phạt khi thực hiện hành vi vi phạm quy định nguyên tắc trong quá trình hành nghề khám chữa bệnh. Theo đó, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của người hành nghề trong quá trình khám chữa bệnh.

Như vậy, trong trường hợp người nhà bệnh nhân có hành vi đánh đập, gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của bác sĩ và các cán bộ, nhân viên y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh thì hoàn toàn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (trong trường hợp chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm). 

Đồng thời, bác sĩ có quyền thực hiện các hành vi phòng vệ chính đáng trong phạm vi pháp luật cho phép. Hành vi của bác sĩ được coi là hành vi phòng vệ chính đáng khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau đây:

  • Hành vi tấn công của người nhà bệnh nhân đối với bác sĩ được xác định là hành vi phạm tội hoặc hành vi đó rõ ràng mang tính chất nguy hiểm cho xã hội, đang xảy ra trên thực tế;

  • Hành vi nguy hiểm cho xã hội đã gây ra thiệt hại trên thực tế hoặc có khả năng đe dọa gây thiệt hại ngay tức khắc đối với quyền lợi hợp pháp của bác sĩ, vì vậy cần phải được bảo vệ;

  • Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ đi sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công của người nhà bệnh nhân mà còn có thể tích cực hạn chế sự tấn công xâm hại, gây thiệt hại cho chính người đang tấn công bác sĩ;

  • Hành vi phòng vệ bắt buộc phải tương xứng với mức độ tấn công của người nhà bệnh nhân, tức là hành vi phòng vệ của bác sĩ không có sự chênh lệch quá lớn giữa hành vi phòng vệ với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công xâm hại.

Như vậy, trong trường hợp người nhà bệnh nhân có hành vi đánh đập bác sĩ chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

3. Người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ có phải là hành vi bị cấm không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 18 Điều 7 của Luật Khám chữa bệnh năm 2023 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám chữa bệnh. Trong đó bao gồm các hành vi như:

  • Thuê, mượn, cho mượn, cho thuê giấy phép hành nghề hoặc giấy phép hoạt động trái quy định pháp luật;

  • Có hành vi lợi dụng hình ảnh, tư cách của người hành nghề khám chữa bệnh để nhằm mục đích phát ngôn, tuyên truyền, khuyến khích người bệnh sử dụng các phương pháp khám chữa bệnh khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;

  • Có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người hành nghề khám chữa bệnh hoặc của người khác tại nơi khám chữa bệnh; hoặc có hành vi phá hoại, hủy hoại tài sản của cơ sở khám chữa bệnh trái quy định pháp luật;

  • Có hành vi ngăn cản người bệnh thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh vào cơ sở khám chữa bệnh hoặc có hành vi cố tình thực hiện bắt buộc chữa bệnh đối với những cá nhân không thuộc trường hợp bắt buộc phải chữa bệnh;

  • Thực hiện hành vi quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề khám chữa bệnh hoặc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hoặc lợi dụng kiến thức y học để nhằm mục đích quảng cáo gian dối về hoạt động khám chữa bệnh;

  • Đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm, nghĩa vụ của người hành nghề khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp xảy ra sự cố y khoa tuy nhiên chưa có kết luận chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy có thể nói, trong trường hợp người nhà bệnh nhân có hành vi chửi bới, đánh đập, hành hạ bác sĩ và các nhân viên, cán bộ y tế thì tức là người nhà bệnh nhân đang thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật, tùy từng mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

THAM KHẢO THÊM:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0938669199