1. Những loại đồ vật nào được coi là hung khí nguy hiểm?
“Hung khí nguy hiểm” là cụm từ xuất hiện khá phổ biến trong Bộ luật Hình sự. Theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP, thì hung khí nguy hiểm là vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm có khả năng gây ra sát thương, thương tích hoặc gây ra nhiều tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
(1) “Vũ khí” là một trong các loại vũ khí: Vũ khí quân dụng, súng thể thao, súng săn …
(2) “Phương tiện nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm mục đích phục vụ cho cuộc sống của con người (có thể là phục vụ con người trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc những vật mà người phạm tội có thể chế tạo ra nhằm mục đích làm phương tiện thực hiện tội phạm; hoặc có thể là những vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu người phạm tội sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì hoàn toàn có thể sẽ gây ra tỷ lệ thương tích, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công:
-
Về những công cụ và dụng cụ. Ví dụ như: búa đinh, dao phay, dao bản to, các loại dao có hình thù sắc/nhọn …;
-
Về những đồ vật mà người phạm tội chế tạo ra. Ví dụ như: thanh sắt mài nhọn, thanh côn gỗ …
-
Về những vật có sẵn trong tự nhiên. Ví dụ như: các loại gạch, đoạn gậy cứng, đá, chắc, thanh sắt …
Hiện tại Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự do Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành, đến nay đã hết hiệu lực và chưa có văn bản thay thế. Khi tham khảo nội dung này, người đọc nên cân nhắc và áp dụng sao cho phù hợp.
2. Dùng hung khí nguy hiểm có phải tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 52 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 có quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Theo đó, chỉ các tình tiết sau đây mới được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bao gồm:
-
Phạm tội có tổ chức;
-
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
-
Lợi dụng chức vụ, lợi dụng quyền hạn trong quá trình phạm tội;
-
Phạm tội có tính chất côn đồ;
-
Phạm tội xuất phát từ động cơ đê hèn;
-
Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
-
Phạm tội với số lượng từ 02 lần trở lên;
-
Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm theo quy định của pháp luật hình sự;
-
Phạm tội đối với những đối tượng là người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người trong độ tuổi từ đủ 70 tuổi trở lên;
-
Phạm tội đối với những cá nhân trong tình trạng không có khả năng tự vệ, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định của pháp luật về khuyết tật, cá nhân bị hạn chế năng lực nhận thức hoặc năng lực hành vi; người bị lệ thuộc mình (người phạm tội) về vật chất, lệ thuộc về tinh thần, công tác hoặc một số mặt khác;
-
Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, lợi dụng tình trạng khẩn cấp, lợi dụng tình trạng thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để thực hiện hành vi phạm tội;
-
Sử dụng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác trong quá trình phạm tội;
-
Xúi giục cá nhân là người dưới 18 tuổi phạm tội;
-
Thực hiện hành vi hung hãn nhầm mục đích trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
Đồng thời, các tình tiết đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc dấu hiệu định khung hình phạt thì không được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Như vậy, hung khí nguy hiểm không thuộc một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Hung khí nguy hiểm được xem là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng hoặc tình tiết định tội trong 02 Điều luật sau đây:
-
Là tình tiết định khung tăng nặng đối với tội gây rối trật tự công cộng: căn cứ theo quy định tại Điều 318;
-
Là tình tiết định tội đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác: căn cứ theo quy định tại Điều 134.
3. Dùng hung khí nguy hiểm cố ý gây thương tích cho người khác bị phạt bao năm tù?
Căn cứ theo quy định tại Điều 134 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 có quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Theo đó, người nào có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; hoặc với tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% tuy nhiên thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Bao gồm các tình tiết định tội như sau:
-
Sử dụng hung khí nguy hiểm, sử dụng thủ đoạn nguy hiểm cho từ 02 người trở lên;
-
Sử dụng axít sunfuric hoặc sử dụng các loại hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
-
Để lại hậu quả cố tật nhẹ cho nạn nhân (bị hại);
-
Phạm tội với số lượng hai lần trở lên, hoặc phạm tội đối với hai người trở lên;
-
Phạm tội đối với cá nhân là người dưới 16 tuổi, phụ nữ biết là có thai, người già yếu, người ốm đau hoặc cá nhân khác không có khả năng tự vệ;
-
Phạm tội đối với ông bà, cha mẹ, người nuôi dưỡng, thầy cô của mình;
-
Phạm tội có tổ chức;
-
Lợi dụng chức vụ, lợi dụng quyền hạn trong quá trình phạm tội;
-
Phạm tội có tính chất côn đồ, hoặc tái phạm nguy hiểm theo quy định của pháp luật hình sự;
-
Phạm tội đối với người đang thi hành công vụ hoặc xuất phát vì lý do công vụ của nạn nhân;
-
Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ/thời gian đang bị tạm giam, đang chấp hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Như vậy, hành vi dùng hung khí nguy hiểm cố ý gây thương tích cho người khác có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nhìn chung, tình trạng nhiều đối tượng trong xã hội, đặc biệt là các nhóm thanh thiếu niên có hành vi tàng trữ, sử dụng hung khí nguy hiểm, có khả năng gây ra tính sát thương cao như: kiếm, mã tấu, dao … đã và đang diễn ra vô cùng phổ biến, gây nhiều hệ lụy xấu trong xã hội, khiến cho dư luận đặc biệt lên án. Các nhóm thanh niên này thông thường sẽ sử dụng hung khí nguy hiểm để giải quyết mâu thuẫn, thực hiện hành vi gây rối an ninh an toàn công cộng, cố ý gây thương tích, gây bức xúc trong dư luận và trong xã hội.
Vì vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang trong quá trình nghiên cứu, đưa ra đề xuất sửa đổi đối với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Các lực lượng chức năng cần phải phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương để kiểm soát tối đa, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm. Trong trường hợp sử dụng không khí nguy hiểm với mục đích xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người trái quy định của pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, đảm bảo an ninh an toàn xã hội, đảm bảo đời sống bình thường của người dân.
THAM KHẢO THÊM: