1. Quy định về điều kiện trở thành trọng tài viên mới nhất:
Cùng với sự biến động của nền kinh tế khu vực và kinh tế trên thế giới, vai trò của trọng tài nói chung và các phương thức giải quyết tranh chấp nói riêng đóng vai trò ngày càng quan trọng, đặc biệt là trong quá trình giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực thương mại và đầu tư nhờ một số ưu điểm như tính hiệu quả, tiết kiệm thời gian và tiết kiệm chi phí tố tụng, nâng cao sự thỏa thuận của các bên…
Vì vậy, có thể hiểu Trọng tài viên là cá nhân được lựa chọn theo quy trình, thủ tục luật định để giải quyết các tranh chấp giữa các bên. Vai trò của Trọng tài viên là người đưa ra quyết định trong quá trình Trọng tài và có thẩm quyền phân xử tranh chấp giữa các bên dựa trên quy định của pháp luật, dựa trên cơ sở tôn trọng sự thỏa thuận của các bên tranh chấp. Tuy nhiên, để trở thành Trọng tài viên thì các cá nhân cần phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định.
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Luật Trọng tài thương mại năm 2010, để trở thành Trọng tài viên thì cần phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, người có đầy đủ tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên:
-
Cá nhân là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật dân sự;
-
Cá nhân đáp ứng trình độ học vấn, tức là có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học trong khoảng thời gian từ đủ 05 năm trở lên;
-
Trong một số trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm trên thực tiễn, tuy không đáp ứng được điều kiện về trình độ học vấn (tức là có trình độ đại học, đã qua thực tế công tác theo ngành đã học trong khoảng thời gian từ đủ 05 năm trở lên) thì cũng có thể được lựa chọn để làm Trọng tài viên.
Thứ hai, người đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn nêu trên không thuộc một trong những trường hợp bị cấm làm Trọng tài viên, bao gồm những cá nhân giữ chức danh sau đây:
-
Cá nhân là người đang giữ chức vụ thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, công chức đang công tác và làm việc tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan thi hành án;
-
Cá nhân được xác định đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự theo bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc đã chấp hành xong bản án tuy nhiên chưa thực hiện thủ tục xóa án tích.
Đồng thời, cần phải lưu ý thêm, Trung tâm trọng tài hoàn toàn có thể quy định thêm một số tiêu chuẩn cao hơn so với các tiêu chuẩn nêu trên trong quá trình lựa chọn Trọng tài viên làm việc và công tác cho tổ chức mình.
Như vậy, việc đặt ra tiêu chuẩn và điều kiện đối với Trọng tài viên thương mại là cần thiết, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, tăng độ đáng tin cậy, tăng sự chuyên nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của Trọng tài viên.
2. Trọng tài viên có những quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 của Luật trọng tài thương mại năm 2010 có quy định về quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên. Theo đó, cá nhân khi giữ chức danh Trọng tài viên cần phải tuân thủ một số quyền và nghĩa vụ sau đây:
-
Chấp nhận giải quyết tranh chấp hoặc từ chối giải quyết tranh chấp;
-
Độc lập trong quá trình giải quyết tranh chấp;
-
Từ chối cung cấp các thông tin, nội dung liên quan đến vụ tranh chấp mà mình đang giải quyết;
-
Có quyền được hưởng thù lao;
-
Đảm bảo giải quyết tranh chấp dựa trên nguyên tắc khách quan, vô tư, nhanh chóng, kịp thời, minh bạch;
-
Giữ bí mật nội dung tranh chấp mà mình đang giải quyết, ngoại trừ trường hợp bắt buộc phải cung cấp thông tin liên quan đến nội dung tranh chấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
-
Tuân thủ đầy đủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong quá trình làm Trọng tài viên.
Như vậy, mỗi Trọng tài viên trên thực tế đều phải tuân thủ, bảo đảm thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình nhằm hướng tới mục tiêu mang đến sự minh bạch, công bằng, khách quan trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp. Đồng thời, việc quy định quyền của Trọng tài viên hướng tới mục tiêu khuyến khích cũng như tạo nhiều điều kiện thuận lợi để trọng tài viên bảo đảm tối đa các quyền lợi vốn có của mình cũng như quyền lợi vốn có của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh đó, hướng đến những phán quyết công bằng, Trọng tài viên và các bên có liên quan tham gia giải quyết tranh chấp cần phải thực hiện đúng nguyên tắc giải quyết tranh chấp căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Theo đó, điều luật này quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như sau:
-
Trọng tài viên bắt buộc phải tôn trọng đầy đủ các thỏa thuận của các bên trong trường hợp thỏa thuận đó phù hợp với quy định của pháp luật, không vi phạm điều cấm và không trái đạo đức xã hội;
-
Trọng tài viên bắt buộc phải độc lập, khách quan, vô tư, công bằng, minh bạch và tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật;
-
Phán quyết trọng tài là phán quyết chung thẩm;
-
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai, ngoại trừ trường hợp các bên tham gia tranh chấp có thỏa thuận khác (đây là điểm khác biệt so với quá trình giải quyết tranh chấp tại Toà án);
-
Các bên tranh chấp bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, hội đồng trọng tài có trách nhiệm và nghĩa vụ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các bên tranh chấp thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.
3. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài:
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật trọng tài thương mại năm 2010 có quy định về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Theo đó, không phải bất kỳ trường hợp nào cũng có thể giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được quy định như sau:
-
Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại nếu các bên có thỏa thuận trọng tài là nơi giải quyết tranh chấp, thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước khi tranh chấp xảy ra hoặc sau khi tranh chấp xảy ra;
-
Trong trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là cá nhân đã chết hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, thỏa thuận trọng tài đó vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc đối với người đại diện theo pháp luật của cá nhân đó, ngoại trừ trường hợp các bên tranh chấp có thỏa thuận khác;
-
Trong trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức đã chấm dứt hoạt động trên thực tế, tổ chức bị phá sản hoặc giải thể, hợp nhất hoặc sáp nhập, chia tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thì thỏa thuận Trọng tài vẫn có hiệu lực pháp luật đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức ban đầu, ngoại trừ trường hợp các bên tham gia tranh chấp có thỏa thuận khác.
Như vậy, tranh chấp sẽ được giải quyết bằng phương án trọng tài thương mại trong trường hợp các bên có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài đó có thể được các bên thỏa thuận trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra. Trong trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là cá nhân đã qua đời hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, thì thỏa thuận trọng tài đó vẫn có hiệu lực pháp luật đối với người thừa kế hoặc đối với người đại diện theo pháp luật của cá nhân đó, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, trong trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức đã chấm dứt hoạt động trên thực tế, bị phá sản, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia tách hoặc chuyển đổi loại hình tổ chức, thỏa thuận Trọng tài vẫn có hiệu lực pháp luật đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức trước đó, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
THAM KHẢO THÊM: