Sử dụng trái phép chất Ketamine bị xử phạt như thế nào?

1. Sử dụng trái phép chất Ketamine bị xử phạt như thế nào?

Ketamine (mọi người thường gọi là ke), đây là một loại ma túy tổng hợp có tác dụng phân ly, kích thích vào hệ thần kinh trung ương, dạng bột hoặc viên nén màu trắng. Ketamine có tên khoa học là (±)-2-(2-Chlorophenyl)-2-methylaminocyclohexanone và có mã thông tin CAS là 6740-88-1. Ketamine là một loại chất thuộc Danh mục các chất ma túy được sử dụng trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc là trong lĩnh vực y tế, thú y. Theo đó, Ketamine là một loại chất ma túy, tuy nhiên ketamine là chất không bị cấm tuyệt đối mà được sử dụng vào trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y.

Trên thị trường chợ đen, Ketamin còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như là K, super K, kikat, ket, vitamin K hoặc horse trank,… Chơi ke hay là hít ke là những thuật ngữ lóng trong văn hóa trẻ hiện nay, thường được dùng để chỉ về việc sử dụng ketamine dưới dạng bột tinh trắng, sau khi được hơ nóng thì dùng mũi hít thật sâu vào. Ke cũng được chế xuất ở dưới dạng viên nén, hòa tan, viên kẹo để chích, uống, nhai,… Thông thường, ke được chia thành mỗi phần nhỏ trên đĩa phẳng và người dùng sẽ sử dụng ống hút hoặc cuộn tiền làm ống để hít vào mũi. Việc hít ke sẽ có thể được thực hiện nhiều lần trong một chu trình chơi, tùy thuộc vào từng cấp độ và cảm giác của chính người dùng. Tuy nhiên, việc sử dụng ketamine dưới dạng bột và hít vào mũi sẽ có thể gây ra một số tác động không mong muốn, như là xước và chảy máu mũi do chất ketamine ban đầu có dạng tinh thể sắc cạnh. Thuốc sẽ ngấm trực tiếp qua những vết thương nhỏ này và vào cơ thể, tác động đến hệ thần kinh và gây ra những hiện tượng như gây mê, phân li, giảm đau, tăng cảm giác thăng hoa. Ngoài ra, việc sử dụng chất ketamine theo cách này cũng có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe như rối loạn tâm thần, động kinh, suy hô hấp và nguy cơ gây tử vong nếu sử dụng quá liều.

Theo pháp luật Việt Nam, việc sử dụng trái phép chất Ketamine là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Pháp luật hiện nay không xử lý hình sự đối với người sử dụng trái phép chất ma túy mà chỉ xử lý hình sự đối với người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, còn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.

Như vậy, người sử dụng trái phép chất Ketamine sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, đồng thời người này sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó chính là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất đối với người nước ngoài.

2. Xử lý người tàng trữ trái phép chất Ketamine:

2.1. Xử lý hình sự người tàng trữ trái phép chất Ketamine:

Căn cứ Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 thì người có hành vi tàng trữ trái phép chất Ketamine mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức xử phạt như sau:

Khung 1: phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, nếu người có hành vi tàng trữ trái phép chất Ketamine thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc người này đã bị kết án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc một trong các tội quy định ở ngay tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  • Chất Ketamine ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
  • Chất Ketamine ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
  • Có 02 chất ma túy trở lên (bao gồm có chất Ketamine) mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy đã quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự.

Khung 2: phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, nếu người có hành vi tàng trữ trái phép chất Ketamine thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có tính tổ chức;
  • Phạm tội từ 02 lần trở lên;
  • Lợi dụng về chức vụ, quyền hạn;
  • Lợi dụng về danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
  • Sử dụng người đang dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
  • Chất Ketamine ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
  • Chất Ketamine ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
  • Có 02 chất ma túy trở lên (bao gồm có chất Ketamine) mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản 2 Điều 249 Bộ luật Hình sự.
  • tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: phạt tù từ 10 năm đến 15 năm, nếu người có hành vi tàng trữ trái phép chất Ketamine thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Chất Ketamine ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
  • Chất Ketamine ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
  • Có 02 chất ma túy trở lên (bao gồm có chất Ketamine) mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định ở tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 3 Điều 249 Bộ luật Hình sự.

Khung 4: phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, nếu người có hành vi tàng trữ trái phép chất Ketamine thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Chất Ketamine ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
  • Chất Ketamine ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
  • Có 02 chất ma túy trở lên (bao gồm có chất Ketamine) mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định ở tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều 249 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, người phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy (chất Ketamine) còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc là không được làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2.2. Xử phạt vi phạm hành chính người tàng trữ trái phép chất Ketamine:

Người có hành vi tàng trữ trái phép chất Ketamine sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính nếu như chưa đủ các dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Khoản 2 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định về xử phạt vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma tuý, Điều này quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi dưới đây:

  • Tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc là chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
  • Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua, bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý.

Theo quy định vừa nêu trên, người có hành vi tàng trữ trái phép chất Ketamine thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, đồng thời người này sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó chính là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất đối với người nước ngoài.

THAM KHẢO THÊM:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0938669199