Tàng trữ trái phép là gì? Tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo BLHS?

1. Tàng trữ trái phép là gì?

Tàng trữ trong từ điển tiếng Việt được hiểu là “cất giữ lại” hay cất giấu lại, để không ai biết. Tuy nhiên, việc cất giấu này không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất.

Trái phép là việc làm những việc mà pháp luật không cho phép, trái với quy định pháp luật

Từ đó có thể hiểu tàng trữ trái phép là cất giữ một số lượng hàng hóa, vật thể nhất định, mà việc cất giấu này trái với quy định của pháp luật.

2. Tàng trữ trái phép chất ma túy là gì?

Tàng trữ trái phép chất ma túy được hiểu là hành vi cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ( như cất giấu ở trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất,…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy, không cần xác định thời gian tàng trữ là bao lâu.

3. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy trong bộ luật hình sự:

Tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội tàng trữ trái phép chất ma túy tại Điều 249, theo đó nội dung quy định như sau:

“Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy

1Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;

c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;

d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;

h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;

i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ đim b đến điểm h Khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;

e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;

k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;

m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;

n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m Khoản này;

o) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng tù 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g Khoản này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Nhựa thuốc phiện, nha cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g Khoản này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

4. Về dấu hiệu chất ma túy theo quy định của luật:

Chất ma túy, theo quy định tại Luật Phòng, chống ma túy quy định: “Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành”, “Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dê gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.” “Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn đến tình trạng nghiện đối với người sử dụng” ( Điều 2, Luật Phòng, chống ma túy)

Hiện nay, Danh mục chất ma túy và tiền chất được ban hành tại Nghị định số 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 126/2015/NĐ- CP của Chính phủ. Theo danh mục này, có 250 chất ma túy và 43 tiền chất ma túy, được chia thành 4 danh mục:

Danh mục I gồm các chất ma túy rất độc, tuyệt đối cấm sử dụng, việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền, gồm 45 chất.

Danh mục II, các chất ma túy độc hại, được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo yêu cầu điều trị

Danh mục III, các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo yêu cầu điều trị

Danh mục IV: Các hóa chất không thể thiếu trong quá trình điều chế, sản xuất ma túy

Về hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi trái phép chất ma túy bao gồm hành vi cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy.

Cần lưu ý, trường hợp tàng trữ trái phép chất ma túy cho người khác biết rõ người này mua bán trái phép chất ma túy đó thì hành vi cất giữ ma túy không phải là hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Trường hợp hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm mục đích bán trái phép chất ma túy thì định tội mua bán trái phép chất ma túy.

Dấu hiệu lỗi

Đối với tội tàng trữ trái phép chất ma túy thì người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình do cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là cất giữ, cất giấu chất ma túy- thuộc danh mục hàng cấm tàng trữ, cấm lưu thông.

Dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định. Chủ thể không bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi.

Phạm tội có tổ chức theo quy định tại Khoản 2 Điều 249

Khi phạm tội có tổ chức, những người đồng phạm cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch kế hoạch, phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.  Và phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy có tổ chức bắt buộc phải có người thực hành và người tổ chức.

Phạm tội nhiều lần được hiểu là đã có hai lần phạm tội trở lên, mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp đã có hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy, trong đó đã có một lần bị kết án hoặc được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt thì không bị coi là phạm tội nhiều lần, còn nếu có từ ba, bốn, năm… lần tàng trữ trái phép chất ma túy trong đó có một lần kết án hoặc được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt thì vẫn bị coi phạm tội nhiều lần.

Lợi dụng chức vụ quyền hạn

Là việc do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn thì họ khó có thể thực hiện việc tàng trữ trái phép chất ma túy; chức vụ quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng.

Lợi dung danh nghĩa cơ quan, tổ chức

Tình tiết lợi dung danh nghĩa cơ quan, tổ chức được hiểu là người phạm tội đã lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc hoặc công tác để thực hiện hành vi phạm tội. Người phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy đã thông qua cơ quan, tổ chức mà mình thành viên để thực hiện hành vi phạm tội.

Sử dụng trẻ em dưới 16 tuổi

Đây là trường hợp người phạm tội đã dụ dỗ, xúi giục, mua chuộc, hăm dọa, khống chế, lôi kéo,… dưới dưới 16 tuổi thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

Tái phạm nguy hiểm

Tái phạm nguy hiểm được hiểu dưới hai trường hợp

Người phạm tội đã bị kết án về tội nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý chưa được xóa án tích mà lại phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Người phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy, người phạm tội khi bị tòa án kết luận có tái phạm, đã bị kết án và chưa được xóa án tích mà lại phạm tội thì sẽ bị coi là tái phạm nguy hiểm, không phân biệt tội ít nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

Hình phạt

Hình phạt cơ bản của tội tàng trữ tái phép là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 249

Hình phạt tăng nặng theo quy định tại Khoản 2 là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm

Hình phạt tăng nặng theo quy định tại Khoản 3 là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm

Hình phạt tăng nặng theo quy định tại Khoản 4 là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0938669199