Thu hồi đất là gì? Thẩm quyền quyết định thu hồi đất mới nhất?

1. Thu hồi đất là gì?

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại khoản 11 Điều 3 Luật đất đai năm 2013, “thu hồi đất” được hiểu là trường hợp Nhà nước ra quyết định thu lại quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đang thuộc quyền sử dụng đất của người khác nếu người này có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng đất.

Trên cơ sở khái niệm thu hồi đất được xác định ở trên, có thể hiểu, khi xảy ra sự kiện thu hồi đất thì hộ gia  đình, cá nhân, tổ chức đang sử dụng đất có nghĩa vụ phải trả lại phần đất thuộc diện thu hồi mà họ đang sử dụng cho Nhà nước. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào Nhà nước cũng có thể tự lấy đất từ phía người dân, mà hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại Điều 16 và các điều từ Điều 61 đến Điều 65 Luật đất đai năm 2013 thì Nhà nước chỉ được thực hiện việc thu hồi đất nếu việc thu hồi đất thuộc một trong những trường hợp mà pháp luật quy định.

2. Căn cứ để Nhà nước thực hiện thu hồi đất:

Một là, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội, hoặc vì lợi ích quốc gia công cộng.

Việc thu hồi đất vì mục đích, quốc phòng, an ninh thường được xác định là thu hồi đất để thực hiện việc xây dựng, tạo dựng các công trình an ninh quốc phòng như nơi đóng quân, trụ sở làm việc của cơ quan công an, quân đội, hoặc xây dựng thành căn cứ quân sự, cảng, ga quân sự, hay kho tang của lực lượng vũ trang; hoặc xây dựng để dựng thành trường bắn, thao trường, khu thử nghiệm hoặc phá bỏ vũ khí quân sự, xây dựng nhà công vụ…. Các trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật đất đai năm 2013.

Còn thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, hoặc vì lợi ích quốc gia công cộng được hiểu là thu hồi đất để nhằm thực hiện các dự án xây dựng trụ sở cơ quan, công trình công cộng – dân sinh, khu đô thị, khu công nghiệp, hay các công trình giao thông, thủy lợi, điện lực…. và các dự án phát triển kinh tế – xã hội hoặc dự án công trình công cộng khác do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư, hoặc các dự án khác do Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận. Các trường hợp này cũng được quy định cụ thể tại Điều 62 Luật đất đai năm 2013.

Để việc thu hồi đất là hợp pháp thì ngoài việc các dự án buộc thu hồi đất phải là những dự án vì mục đích quốc phòng an ninh được quy định tại Điều 61, 62 Luật đất đai năm 2013 nêu trên thì việc thu hồi đất còn phải được dựa trên căn cứ là kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và tiến độ sử dụng đất trong lộ trình thực hiện dự án.

Hai là, Thu hồi đất do người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

Người đang sử dụng đất có thể bị Nhà nước thu hồi đất nếu trong quá trình sử dụng đất có một trong các hành vi vi phạm quy định của luật đất đai được quy định tại Điều 64 Luật đất đai năm 2013, Điều 15, Điều 66, 100 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

– Sử dụng đất không đúng mục đích, dù đã bị xử phạt hành chính trước đó mà còn tái phạm.

Nội dung này thường được thể hiện ở việc người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cấp đất, cho thuê quyền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng vào một mục đích nhất định nhưng trên thực tế, người sử dụng đất cố tình sử dụng vào một mục đích khác hoàn toàn với mục đích sử dụng đất của loại đất đó. Hành vi này của người sử dụng đất được xác định là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích.

Ví dụ: Người sử dụng đất xây nhà ở trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Trường hợp này, về mặt nguyên tắc, theo khoản 1 Điều 170 Luật đất đai năm 2013, người sử dụng đất phải sử dụng đất mục đích, nghĩa là họ chỉ có thể trồng cây lâu năm trên phần đất nông nghiệp này, còn việc xây dựng nhà ở chỉ được xây dựng trên đất ở. Do vậy, khi họ xây nhà ở trên đất nông nghiệp, thì việc làm của họ đang vi phạm pháp luật đất đai, là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích. Với hành này, họ sẽ bị xử phạt hành chính đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng thửa đất như ban đầu. Việc thu hồi đất đối với trường hợp này chỉ đặt ra khi mà việc vi phạm của người sử dụng đất diễn ra rất nhiều lần, tái phạm nhiều lần, không khắc phục mặc dù đã bị xử lý hành chính.

– Có hành vi cố ý hủy hoại đất.

Hủy hoại đất, theo quy định tại khoản 25 Điều 3 Luật đất đai năm 2013, được hiểu là hành vi tác động vào đất (như múc, xới, đào, san lấp…) làm biến dạng địa hình của đất, dẫn đến việc suy giảm chất lượng của đất, làm mất hoặc suy giảm khả năng sử dụng đất hoặc gây ô nhiễm nguồn tài nguyên đất. Khi người sử dụng đất hủy hoại đất nghĩa là họ không có nhu cầu sử dụng đất hay bảo vệ nguồn tài nguyên đất, trong khi đó, mặc dù đất đai là nguồn tài nguyên có giá trị lớn nhưng lại không phải là vô hạn. Vậy nên trong trường hợp người sử dụng đất có hành vi cố ý hủy hoại đất, việc Nhà nước thu hồi phần đất này để sau đó giao lại cho người thực sự cần sử dụng đất là hoàn toàn phù hợp.

– Có hành vi tự ý chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất dù pháp luật không cho phép.

Nội dung này áp dụng trong trường hợp người sử dụng đất mặc dù biết pháp luật không phép chuyển nhượng với phần đất ấy nhưng vẫn cố tình chuyển nhượng, tặng cho cho người khác. Trong đó, các trường hợp không được chuyển nhượng sẽ được xác định theo Điều 191 Luật đất đai năm 2013.

Ví dụ: hộ gia đình, cá nhân được giao đất, cấp đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ nhưng tự ý chuyển nhượng cho người khác sinh sống ngoài khu vực rừng phòng hộ, mặc dù pháp luật có quy định rõ người sử dụng đất sinh sống ngoài khu vực rừng phòng hộ thì không được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất đối với phần đất đang thuộc khu vực rừng phòng hộ. Trường hợp này, các bên trong quan hệ tặng cho, chuyển nhượng đang cố tình làm trái quy định của pháp luật. Đây là một trường hợp mà Nhà nước được quyền thu hồi đất.

– Có hành vi thiếu trách nhiệm, để cho phần đất do mình quản lý bị lấn, chiếm.

Trường hợp này áp dụng đối với những người sử dụng đất đang được sử dụng phần đất mà Nhà nước giao để quản lý. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý họ đã để cho người khác lấn, chiếm đất.

Trong đó, lấn đất được hiểu là một người vì muốn mở rộng diện tích đất mà họ có quyền sử dụng nên đã có hành vi dịch chuyển, làm thay đổi vị trí của ranh giới đất hoặc mốc giới đất đã có trước đó, làm xâm phạm sang phần đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của người khác. Còn chiếm đất được hiểu là việc người sử dụng đất tự ý sử dụng đất khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền cho phép, hoặc không chịu trả lại đất được giao, cho thuê có thời hạn mặc dù đã hết thời hạn giao, cho thuê và không được Nhà nước gia hạn. Việc Nhà thu hồi đất trong trường hợp người đang quản lý phần đất mà Nhà nước giao để quản lý nhưng thiếu trách nhiệm làm cho phần đất mình quản lý bị lấn chiếm là hoàn toàn hợp lý. Bởi việc để cho người khác lấn, chiếm phần đất mình quản lý cho thấy việc thiếu trách nhiệm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước trong việc quản lý đất đai.

– Đất được giao, cho thuê để sử dụng nhưng không đúng đối tượng hoặc trái thẩm quyền.

– Phần đất mà người sử dụng đất mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn không chấp hành, không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

– Đất bị bỏ hoang, không được sử dụng trong một thời gian dài, cụ thể là không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục đối với đất trồng cây hàng năm; 18 tháng liên tục nếu là đất trồng cây lâu năm; 24 tháng liên tục nếu là đất trồng rừng.

– Đất được Nhà nước giao, cho thuê để nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư nhưng đã bị bỏ hoang, không được đưa vào sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc trong quá trình làm dự án tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai thì cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể thực hiện việc thu hồi đất nếu có căn cứ về việc người sử dụng đất có hành vi vi phạm trong quá trình sử dụng đất được thể hiện thông qua quyết định hoặc biên bản ghi nhận hành vi vi phạm.

Ba là, Thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất, do chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật hoặc do việc sử dụng đất có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người.

 Việc quyết định thu hồi đất đối với những trường hợp này được thực hiện khi có một trong các căn cứ theo quy định tại Điều 65 Luật đất đai năm 2013, cụ thể gồm các trường hợp:

– Người đang sử dụng đất tự nguyện trao trả đất lại cho Nhà nước (hay còn gọi là hiến đất).

– Người sử dụng đất là cá nhân bị chết và không có người thừa kế; trường hợp người sử dụng đất là tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì bị giải thể, phá sản, không có nhu cầu sử dụng đất hoặc chuyển địa điểm kinh doanh.

– Đất đang sử dụng nằm trong khu vực bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sụt lún, sạt lở, bị ảnh hưởng thiên tai là mối đe dọa tính mạng con người.

– Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng đã hết thời hạn sử dụng đất và không được gia hạn.

Có thể thấy, việc Nhà nước thu hồi đất không được tùy ý mà phải thuộc một trong các trường hợp mà pháp luật quy định. Đồng thời, dù thu hồi đất trong trường hợp nào thì việc thu hồi đất của Nhà nước cũng sẽ làm chấm dứt quyền sử dụng đất của người sử dụng đất kể từ thời điểm thu hồi đất.

3. Thẩm quyền thu hồi đất:

Hiện nay, căn cứ theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành, không phải cơ quan nào cũng có thẩm quyền thu hồi đất mà theo quy định tại Điều 66 Luật đất đai năm 2013 thì chỉ có Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới có thẩm quyền thu hồi đất. Trong đó:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền để thu hồi đất trong các trường hợp sau:

– Thu hồi đất mà người sử dụng đất có yếu tố nước ngoài cụ thể là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao trừ trường hợp thu hồi đất của cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

– Thu hồi đối với phần đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

Còn Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất đối với các trường hợp thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (không có yếu tố nước ngoài) hoặc thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, trong khu vực thu hồi đất vừa có đối tượng bị thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vừa có đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì trường hợp này Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định việc thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.

Như vậy, thu hồi đất là một hình thức mà Nhà nước thu hồi lại quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất. Việc thu hồi dù được thực hiện trong trường hợp này thì chỉ được xác định là hợp pháp nếu thuộc vào một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 16, Điều 61 đến Điều 65 Luật đất đai năm 2013, và được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất theo Điều 66 Luật đất đai năm 2013.

4. Thẩm quyền của UBND cấp xã về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất:

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất, trong giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân:

– Về việc giao đất trồng cây hàng năm, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, làm muối: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất nông nghiệp lập phương án giao đất và đề nghị Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định giao đất nông nghiệp đối với những địa phương chưa giao đất cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai (khoản 2 Điều 17 Luật Đất đai).

– Lập Hội đồng tư vấn giao đất của địa phương, niêm yết công khai danh sách các trường hợp được giao đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc và tổ chức tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân; hoàn chỉnh phương án giao đất trình Hội đồng nhân dân cùng cấp  thông qua trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét duyệt.

– Về việc giao đất, cho thuê đất trồng lâu năm, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất vùng đệm của rừng đặc dụng, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất nông nghiệp khác đối với hộ gia đình, cá nhân thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

+ Nhận đơn xin giao đất, thuê đất; dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu có) của hộ gia đình, cá nhân;

+ Thẩm định, ghi ý kiến xác nhận vào đơn xin giao đất, thuê đất về nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp đủ điều kiện và gửi đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng Tài nguyên và Mội trường.

– Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn; không được ủy quyền việc cho thuê đất thuộc quỹ đất công ích này.

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đề nghị việc giao đất sản xuất từ nguồn thu hồi từ nông nghiệp, lâm nghiệp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.

– Trường hợp đã giao đất nông nghiệp vượt hạn mức, căn cứ vào hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, lập danh sách các hộ gia đình, cá nhân có diện tích đất nông nghiệp được giao vượt hạn mức và báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để cho thuê theo quy định.

– Về việc giao đất làm nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân tại nông thôn không thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất

+ Nhận đơn xin giao đất của hôn gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất để làm nhà ở.

+ Lập phương án giao đất làm nhà ở gửi Hội đồng tư vấn giao đất của xã xem xét, đề xuất ý kiến đối với phương án giao đất; niêm yết công khai danh sách các trường hợp được giao đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc và tổ chức tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân; hoàn chỉnh phương án giao đất, lập hồ sơ xin giao đất gửi Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường;

+ Tổ chức bàn giao đất trên thực địa cho hộ gia đình, cá nhân đã có quyết định giao đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

– Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác nhận nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thể hiện trong đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xác nhận nhu cầu sử dụng đất của cộng đồng dân cư thể hiện trong đơn xin giao đất.

Thứ hai, đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: Nhận hồ sơ đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân tại nông thôn chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chuyển cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và trả lại Giấy chứng nhận đã chỉnh lý hoặc hồ sơ (đối với trường hợp không được chuyển mục đích) cho người sử dụng đất.

Thứ ba, trong việc thu hồi đất đối với trường hợp bị thu hồi theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 38 Luật Đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

 – Quản lý đất đã thu hồi thuộc khu vực nông thôn do cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất thực hiện việc thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 38 Luật Đất đai (khoản 3 Điều 41 Luật Đất đai);

– Xác nhận không có người thừa kế đối với trường hợp thu hồi đất;

Thứ tư, trong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư phổ biến kế hoạch khảo sát, đo đạc cho người sử dụng đất trong khu vực dự án và yêu cầu người sử dụng đất tạo điều kiện để chủ đầu tư thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất để lập dự án đầu tư;

– Tổ chức tuyên truyền về mục đích thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án;

– Phối hợp với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện xác nhận đất đai, tài sản của người bị thu hồi;

– Phối hợp và tạo điều kiện hỗ trợ cho việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất và tạo điều kiện cho việc giải phóng mặt bằng;

– Ủy ban nhân dân cấp xã có đất bị thu hồi cử đại diện tham gia là thành viên Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện do lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng;

– Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã cùng với đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, đại diện những người có đất bị thu hồi xác nhận vào biên bản niêm yết công khai phương án bồi thường;

– Phối hợp với đại diện của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và Ủy ban mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi vận động thuyết phục người có đất bị thu hồi chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi cho Nhà nước;

 – Xác nhận vào biên bản bàn giao đất giữa tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và người có đất bị thu hồi;

 – Xác nhận là đất không có tranh chấp đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định;

 –  Xác nhận cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có các công trình là đình, đền, chùa, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ là đất không có tranh chấp;

 – Xác nhận đối với trường hợp diện tích đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất là do khai hoang hoặc nhận chuyển quyền của người sử dụng đất trước đó, đất đã sử dụng ổn định và không có tranh chấp;

 – Xác nhận giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất và giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;

 – Xác nhận cho đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất là hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp nhưng chưa được giao đất nông nghiệp và đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng, cho, khai hoang theo quy định của pháp luật là đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. 

5. Mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi thu hồi đất:

Tóm tắt câu hỏi:

Hiện nay gia đình tôi đang sử dụng 01 thửa đất có diện tích 500m2, gia đình tôi có 5 khẩu, trong đó có 4 khẩu là cán bộ công chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước (biên chế). Nay nhà nước thu hồi đất để đầu tư xây dựng công trình phúc lợi. Bên công tác đền bù tính tiền đền bù cho tôi như sau: 

Bồi thường về đất: 60.000đ/m2 x 500m2 = 30.000.000 đồng, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp: 100 m2 x60.000đ/m2 x 3 lần = 18.000.000đ. Về mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp như thế tôi thấy không thỏa đáng, đơn vị làm công tác đền bù giải thích cho tôi như sau: Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 23 của Quyết định 13/2015/QĐ-UBND ngày 05/3/2015 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hộ tôi có 4 khẩu hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì không được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm bằng 3 lần giá đất theo quy định. Nên chỉ tính hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho khẩu không hưởng lương từ ngân sách nhà nước 100m2, còn 400m2 đất kia không được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đúng hay sai?

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 37/2014/TT-BTNMT có quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp do cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) đang sử dụng đất.

Như vậy, trong trường hợp này, mức hỗ trợ đối với gia đình bạn sẽ phụ thuộc vào mức hỗ trợ do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nơi gia đình bạn đang sinh sống quy định. Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 23 Quyết định 13/2015/QĐ-UBND quy định về bồi thường tái định cư khi nhà nước thu hồi đất của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.

Trong trường hợp này, quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chỉ cho thành viên không phải là công chức, viên chức được hưởng hỗ trợ là hoàn toàn hợp lý. Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 37/2014/TT-BTNMT thì 4 người trong gia đình bạn là công chức, viên chức đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất nhưng không được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, không được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.Trong gia đình bạn chỉ người không thuộc viên chức, công chức nhà nước mới được hưởng hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 37/2013/TT-BTNMT và cụ thể là tại Khoản 2 Điều 23 Quyết định 13/2015/QĐ-UBND của tỉnh Quảng Ngãi đã nêu trên.

 Tuy nhiên, mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm của ủy ban nhân dân áp dụng đối với thành viên của gia đình bạn không phải là cán bộ, viên chức chưa hợp lý. Cụ thể thành viên đó của gia đình bạn sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định tại khoản 1 Điều 23 và khoản 3, khoản 6 Điều 22 của quyết định trên.

Đối với việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm thành viên đó trong gia đình bạn sẽ được hưởng theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Quyết định này sẽ được tính bằng 03 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất quy định hiện hành của UBND tỉnh đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Như vậy, phần hỗ trợ này sẽ bằng 3 lần giá đất của 500m2 đất nông nghiệp của gia đình bạn chứ không phải 3 lần giá đất của 100m2 đất như mức mà cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng đối với gia đình bạn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0938669199