Thủ tục cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại

1. Thủ tục cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại:

Trước ngày 14 tháng 4 năm 2020, khi Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại còn hiệu lực thì pháp luật có quy định về thủ tục cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Tuy nhiên, kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2020 Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại thì đã không còn quy định về thủ tục cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại nữa, vấn đề này được thể hiện rõ qua khoản 2 Điều 7 Thông tư trên. Điều này quy định Giấy chứng nhận kinh tế trang trại được cấp theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT vào ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về các tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này bắt đầu có hiệu lực thi hành. Thay vào đó, tại Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại thì pháp luật sẽ chỉ quy định về tiêu chí kinh tế trang trại để làm căn cứ để xác định các đối tượng hưởng các chính sách của Nhà nước áp dụng cho kinh tế trang trại. Cụ thể như sau:

1.1. Phân loại trang trại:

  • Trang trại chuyên ngành được xác định theo các lĩnh vực sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp và tỷ trọng của giá trị sản xuất của lĩnh vực có chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. Trang trại chuyên ngành được phân loại như sau:

+ Các trang trại trồng trọt;

+ Các trang trại chăn nuôi;

+ Các trang trại lâm nghiệp;

+ Các trang trại nuôi trồng thủy sản;

+ Các trang trại sản xuất muối.

  • Trang trại tổng hợp là trang trại trong đó không có lĩnh vực sản xuất nào có tỷ trọng giá trị sản xuất mà chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm.

1.2. Tiêu chí kinh tế trang trại:

  • Đối với các trang trại chuyên ngành:

+ Trồng trọt: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và có tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên;

+ Nuôi trồng thủy sản: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và có tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên;

+ Chăn nuôi: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và phải đạt quy mô chăn nuôi trang trại như sau:

++ Có quy mô lớn

++ Có quy mô vừa 

++ Có quy mô nhỏ.

+ Lâm nghiệp: Giá trị sản xuất bình quân đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và có tổng diện tích đất sản xuất từ 10,0 ha trở lên;

+ Sản xuất muối: Giá trị sản xuất bình quân đạt 0,35 tỷ đồng/năm trở lên và có tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

  • Đối với trang trại tổng hợp: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và có tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

1.3. Cách tính tổng diện tích đất sản xuất, và giá trị sản xuất của trang trại:

  • Tổng diện tích đất sản xuất để làm tiêu chí kinh tế trang trại chính là tổng diện tích đất sản xuất kinh doanh của trang trại, được sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai, bao gồm có diện tích đất để trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối và đất để xây dựng hạ tầng phục vụ cho sản xuất của trang trại tại thời điểm kê khai.
  • Giá trị sản xuất của trang trại/năm là giá trị sản xuất của ít nhất 1 năm trang trại đạt được trong ở 3 năm gần nhất với năm kê khai; được tính bằng tổng giá trị sản xuất các kỳ thu hoạch hoặc khai thác trong năm.
  • Đối với trang trại mới thành lập chưa có sản phẩm thu hoạch, giá trị sản xuất được ước tính căn cứ vào các phương án sản xuất, tình hình triển khai thực tế của trang trại.

2. Quy định về theo dõi, thống kê và chế độ báo cáo về kinh tế trang trại:

Căn cứ Điều 5 Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại thì việc theo dõi, thống kê và chế độ báo cáo về kinh tế trang trại được quy định như sau:

  • Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:

+ Hướng dẫn, phổ biến tiêu chí kinh tế trang trại cho cá nhân, chủ hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn cấp xã;

+ Triển khai theo dõi, thống kê, cập nhật những biến động về chủ trang trại, diện tích đất sản xuất, loại trang trại;

+ Lập sổ theo dõi phát triển kinh tế trang trại ở trên địa bàn (sổ theo dõi được lập theo mẫu pháp luật quy định)

  • Các chế độ báo cáo về kinh tế trang trại:

+ Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo về kinh tế trang trại trên địa bàn xã trong năm gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, báo cáo lên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

+ Trước ngày 19 tháng 12 hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo về kinh tế trang trại trong năm ở trên địa bàn tỉnh gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

  • Phương thức gửi, nhận báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo sẽ được thực hiện như sau:

Phương thức gửi, nhận báo cáo:

+ Báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử. Tùy theo điều kiện thực tế và các yêu cầu của cơ quan ban hành chế độ báo cáo, báo cáo được gửi đến cho cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau:

++ Gửi bằng hình thức trực tiếp;

++ Gửi bằng hình thức dịch vụ bưu chính;

++ Gửi bằng hình thức Fax;

++ Gửi bằng hình thức hệ thống thư điện tử;

++ Gửi bằng hình thức hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng.

++ Những phương thức khác theo quy định của pháp luật.

Thời gian chốt số liệu báo cáo: Tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo cho đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.

3. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ chung đối với kinh tế trang trại trong dự thảo 2 Nghị định Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại:

Tại Điều 13 dự thảo 2 Nghị định Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại thì các chính sách ưu đãi, hỗ trợ chung đối với kinh tế trang trại bao gồm có:

  • Chính sách hỗ trợ hỗ trợ quy hoạch và đầu tư công trình hạ tầng chung: Nhà nước sẽ hỗ trợ việc quy hoạch và đầu tư công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước để hình thành lên vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cho các trang trại.
  • Chính sách hỗ trợ lập, thẩm định và phê duyệt dự án kinh tế trang trại: Trang trại được hỗ trợ các chi phí tư vấn lập dự án trang trại không quá 100 triệu/dự án, bao gồm : Chi phí nhân công tư vấn kỹ thuật; chi phí khảo sát, đo đạc, đánh giá hiện trạng, lập quy hoạch tổng thể mặt bằng và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình trong dự án; chi phí thuê, mua dữ liệu, số liệu; các chi phí hội thảo, tham vấn; chi phí in ấn tài liệu. Ngoài ra còn được miễn các chi phí hành chính có liên quan đến thẩm định và phê duyệt dự án.
  • Chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai: Trang trại được hưởng những chính sách ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê hoặc là thuê lại quyền sử dụng đất; tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất và những chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác theo quy định của Luật Đất đai.
  • Chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế: Trang trại được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo đúng quy định của pháp luật thuế hiện hành. Ngoài ra còn được hỗ trợ:

+ Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho những hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao đất để sản xuất.

+ Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp nhưng lại không quá hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân.

  • Chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vay vốn tín dụng.
  • Chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đào tạo bồi dưỡng.
  • Chính sách ưu đãi, hỗ trợ áp dụng về khoa học kỹ thuật, công nghệ và môi trường.
  • Chính sách ưu đãi, hỗ trợ về xúc tiến thương mại.
  • Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ liên kết.

THAM KHẢO THÊM:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0938669199