Trình tự, thủ tục thành lập tổ chức phi lợi nhuận mới nhất

1. Các tổ chức phi lợi nhuận ở Việt Nam hiện nay:

Trên thực tế hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định cụ thể nào giải thích về thuật ngữ “phi lợi nhuận”. Tuy nhiên có thể hiểu, phi lợi nhuận là khái niệm để chỉ những hoạt động vì tập thể, vì cộng đồng, hướng tới mục đích tạo ra giá trị thặng dư. Lợi nhuận tạo ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ không phân chia cho các cổ đông/cá nhân, mà sẽ sử dụng nguồn tài chính này để tài trợ vì mục đích nhân đạo, mang đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội.

Hay nói cách khác, “phi lợi nhuận” là tổng hợp nhiều hoạt động có thể tạo ra doanh thu, tuy nhiên doanh thu đó sẽ không phân chia cho bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào. Tất cả giá trị tạo ra này đều được sử dụng để phục vụ cho đời sống chung của tập thể xã hội. Vì vậy, tổ chức phi lợi nhuận được Nhà nước khuyến khích thành lập. 

Căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 3 của Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 có đưa ra thuật ngữ về tổ chức phi lợi nhuận. Theo đó, tổ chức phi lợi nhuận là khái niệm để chỉ tổ chức hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, trong đó bao gồm hội, quý xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thành lập và đăng ký hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, các tổ chức tôn giáo.

Ở Việt Nam hiện nay, có các tổ chức phi lợi nhuận như sau:

  • Tổ chức phi lợi nhuận AIESEC (hay còn được viết tắt là tổ chức AIESEC);

  • Tổ chức tình nguyện vì hòa bình Việt Nam;

  • Solidarités Jeunesses Vietnam, hay còn được viết tắt là SJ Vietnam;

  • Tổ chức phi lợi nhuận Giấc mơ Việt Nam (hay còn được viết tắt là GMVN);

  • Tổ chức tình nguyện vì giáo dục, hay còn được viết tắt là V.E.O;

  • Câu lạc bộ tình nguyện HOPE;

  • Tổ chức phi lợi nhuận VietAbroader;

  • Save the Children Việt Nam;

  • Hội chữ thập đỏ Việt Nam.

2. Trình tự, thủ tục thành lập tổ chức phi lợi nhuận mới nhất:

Căn cứ theo quy định tại Văn bản hợp nhất Luật doanh nghiệp năm 2022 cũng không có điều luật cụ thể quy định về các tổ chức phi lợi nhuận. Tuy nhiên, để thành lập một tổ chức phi lợi nhuận thì doanh nghiệp cần phải tiến hành quy trình như sau:

Bước 1: Doanh nghiệp có nhu cầu thành lập tổ chức phi lợi nhuận cần phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập nộp tại cơ quan có thẩm quyền. Bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu như sau: Các loại giấy tờ tùy thân có liên quan như căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu còn thời hạn hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập doanh nghiệp được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền; danh sách cổ đông và danh sách thành viên góp vốn vào doanh nghiệp; điều lệ cụ thể của doanh nghiệp; giấy đề nghị của Sở Kế Hoạch và Đầu tư cấp cho doanh nghiệp khi có nhu cầu đăng ký thành lập tổ chức phi lợi nhuận.

Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký thành lập tổ chức phi lợi nhuận đến Phòng Đăng ký kinh doanh. Chờ trong khoảng thời gian từ 03 đến 06 ngày để được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh hợp lệ. Trong trường hợp hồ sơ có sự sai sót thì cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ, trong trường hợp không cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thì cần phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do chính đáng.

Bước 3: Tiến hành công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cần phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo thủ tục quy định, đồng thời cần phải có nghĩa vụ trả phí. Nội dung công báo công khai cần phải bao gồm các nội dung liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin liên quan đến ngành nghề kinh doanh, danh sách các cổ đông sáng lập, các cổ đông và nhà đầu tư nước ngoài đối với loại hình công ty cổ phần. Thời gian tối đa để thực hiện thủ tục này được xác định là 30 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày có giấy phép thành lập công ty phi lợi nhuận. Nếu quá thời gian nêu trên mà các doanh nghiệp không thực hiện hoạt động thông báo công khai thông tin của công ty thì sẽ bị phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Bước 4: Tiến hành thủ tục khắc con dấu và mua chữ ký số cho tổ chức phi lợi nhuận mới thành lập. Sau đó tiếp tục tiến hành hoạt động đăng ký tài khoản ngân hàng. Chủ doanh nghiệp phi lợi nhuận cần phải mang theo giấy tờ tùy thân, con dấu và giấy phép đăng ký kinh doanh đến ngân hàng để mở tài khoản giao dịch cho tổ chức đó. Sau đó thông báo số tài khoản này cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Bước 5: Kê khai thuế và đóng thuế sau khi thành lập tổ chức phi lợi nhuận.

3. Những thông tin cần chuẩn bị khi thành lập tổ chức phi lợi nhuận: 

Bên cạnh quy trình và thủ tục thành lập tổ chức phi lợi nhuận, để quá trình thành lập tổ chức phi lợi nhuận diễn ra một cách thuận lợi thì cần phải chuẩn bị đầy đủ các thông tin cơ bản như sau:

  • Lựa chọn loại hình doanh nghiệp cho công ty. Nhìn chung, công ty phi lợi nhuận cần phải có loại hình doanh nghiệp để hoạt động phù hợp, doanh nghiệp cần phải căn cứ vào số lượng thành viên và mong muốn của doanh nghiệp có thể lựa chọn loại hình thích hợp nhất như: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty hợp danh;

  • Đăng ký ngành nghề kinh doanh sao cho phù hợp. Để kinh doanh bán hàng, sản xuất phi lợi nhuận thì doanh nghiệp cần phải đăng ký các ngành nghề liên quan để thực hiện mục đích kinh doanh của mình;

  • Địa chỉ hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận. Khi có địa chỉ hoạt động, doanh nghiệp có thể đăng ký mở công ty. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị địa chỉ cụ thể nằm trong lãnh thổ của Việt Nam, và không được sử dụng địa chỉ giả. Đồng thời, cấm đặt địa chỉ của công ty ở các khu vực nhà chung cư, khu tập thể hoặc khu vực cấm làm địa chỉ kinh doanh. Để có thể tiết kiệm chi phí thì doanh nghiệp có thể tận dụng nhà riêng để làm địa chỉ đăng ký khi thực hiện thủ tục thành lập;

  • Chuẩn bị vốn trong quá trình thành lập. Khi muốn thành lập công ty phi lợi nhuận thì chắc chắn cần phải chuẩn bị vốn. Mức vốn có thể tùy thuộc vào khả năng tài chính hoặc theo quy định của ngành nghề có vốn tối thiểu. Ngoài ra, trong quá trình mở công ty phi lợi nhuận thì các doanh nghiệp cần phải thực hiện hoạt động kê khai vốn điều lệ;

  • Chuẩn bị tên công ty và người làm đại diện theo pháp luật của công ty. Người đại diện theo pháp luật của công ty có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện các quyền, nghĩa vụ được giao một cách trung thực, nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của công ty phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của công ty, không sử dụng bí quyết hoặc cơ hội kinh doanh của công ty để cung cấp cho người thứ ba, không lạm dụng chức vụ quyền hạn của mình hoặc sử dụng tài sản của công ty để trục lợi cá nhân hoặc phục vụ cho lợi ích của các cá nhân khác. Vì vậy, cần phải lựa chọn một người có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm, có khả năng thực hiện tốt trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật trong quá trình hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận.

THAM KHẢO THÊM:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0938669199