1. Quy định về thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi:
Căn cứ theo quy định tại Điều 143 của Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về lao động chưa thành niên như sau:
-
Lao động chưa thành niên là những người lao động chưa đủ 18 tuổi;
-
Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi sẽ không được làm các công việc hoặc không được làm việc tại nơi được quy định tại Điều 147 của
;Bộ luật lao động năm 2019 -
Cá nhân trong độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi sẽ chỉ được làm những công việc nhẹ theo danh mục do bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định;
-
Cá nhân chưa đủ 13 tuổi sẽ chỉ được làm các công việc được liệt kê tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật lao động năm 2019.
Như vậy, đối với lao động chưa thành niên là những lao động chưa đủ 18 tuổi, trong đó có người lao động chưa đủ 15 tuổi.
Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về thời gian làm việc của người lao động chưa thành niên. Theo đó:
-
Thời gian làm việc của người lao động chưa đủ 15 tuổi sẽ không được vượt quá 04h trong một ngày và không vượt quá 20h trong một tuần, đồng thời người lao động chưa đủ 15 tuổi không được làm thêm giờ, không được làm việc vào ban đêm;
-
Thời gian làm việc của người lao động trong độ tuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được vượt quá 8h trong một ngày và không được vượt quá 40h trong một tuần. Người lao động trong độ tuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, được làm việc vào ban đêm trong một số ngành nghề, công việc theo Danh mục do bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội ban hành.
Như vậy, thời gian làm việc của người lao động chưa đủ 15 tuổi được quy định như sau:
-
Không vượt quá 4h trong một ngày;
-
Không vượt quá 20h trong một tuần;
-
Người lao động chưa đủ 15 tuổi không được làm việc vào ban đêm, không được làm thêm giờ.
2. Người lao động chưa đủ 15 tuổi có được giao kết hợp đồng lao động hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 của Bộ luật lao động năm 2019 có quy định về thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động. Theo đó:
-
Người lao động có thể trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, ngoại trừ trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật lao động năm 2019;
-
Đối với các công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời gian dưới 12 tháng thì nhóm người lao động trong độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên hoàn toàn có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm đó để tiến hành thủ tục giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Trong trường hợp này, hợp đồng lao động bắt buộc phải được giao kết bằng văn bản, hợp đồng lao động có hiệu lực giống như trường hợp giao kết với từng người lao động trong nhóm. Hợp đồng lao động do người được ủy quyền cần phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động;
-
Người giao kết hợp đồng lao động phía bên người sử dụng lao động là người thuộc một trong những trường hợp như sau:
+ Là người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
+ Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền;
+ Người đại diện của tổ hợp tác, hộ gia đình, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật;
+ Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
- Người giao kết hợp đồng lao động phía bên người lao động là người thuộc một trong những trường hợp sau đây:
+ Người lao động trong độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên;
+ Người lao động trong độ tuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của cá nhân đó;
+ Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi;
+ Người lao động được những người lao động khác trong nhóm ủy quyền hợp pháp để tiến hành thủ tục giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.
Như vậy, người lao động trong độ tuổi chưa đủ 15 tuổi vẫn sẽ được giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, người lao động dưới 15 tuổi khi giao kết hợp đồng lao động cần phải có người đại diện theo pháp luật.
3. Sử dụng người lao động chưa đủ 15 tuổi cần phải tuân thủ các nguyên tắc nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 144 của Bộ luật lao động năm 2019, nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên bao gồm:
-
Lao động chưa thành niên sẽ chỉ được làm các công việc phù hợp với sức khỏe để đảm bảo cho sự phát triển về thể lực, trí lực và nhân cách;
-
Người sử dụng lao động trong quá trình sử dụng người lao động chưa thành niên cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ quan tâm chăm sóc đối với người lao động về sức khỏe, học tập trong quá trình lao động;
-
Khi sử dụng người lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động cần phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc được sự đồng ý của người giám hộ, người sử dụng lao động cần phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên và ngày tháng năm sinh của người lao động, công việc đang làm, kết quả sau những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
-
Người sử dụng lao động cần phải tạo cơ hội thuận lợi để người lao động chưa thành niên được học hỏi văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao trình độ kĩ năng nghề nghiệp.
Nhìn chung, Việt Nam được xem là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á và là quốc gia thứ hai trên toàn thế giới phê chuẩn và tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, nước Việt Nam cũng xem là một trong những quốc gia phê chuẩn sớm nhất hai Công ước cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế liên quan trực tiếp đến vấn đề lao động của trẻ em, đó là Công ước số 138 năm 1973 quy định cụ thể về độ tuổi lao động tối thiểu và Công ước số 182 quy định cụ thể về vấn đề cấm, hành động ngay lập tức để hướng tới mục tiêu xóa bỏ các hình thức bóc lột lao động là trẻ em, quy định cụ thể về chính sách trong vấn đề chăm sóc bảo vệ trẻ em và lao động là trẻ em, vì vậy vấn đề này luôn luôn được chính phủ quan tâm và chỉ đạo các bộ ban ngành yêu tiên hàng đầu.
Quá trình xây dựng chặt chẽ quy định của pháp luật về vấn đề sử dụng người lao động là người chưa thành niên nói chung và người lao động dưới 15 tuổi nói riêng hướng tới mục tiêu nhằm phòng tránh tình trạng lợi dụng, bóc lột sức lao động của trẻ em, áp bức trẻ em trái quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động là người chưa thành niên, bên cạnh đó giúp cho nhà nước quản lý tốt hơn các đối tượng này khi họ tham gia vào thị trường lao động. Đồng thời, cần phải nhận thức rõ lợi ích khi tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sử dụng lao động là người chưa thành niên cho một số lĩnh vực phù hợp, góp phần thúc đẩy an sinh xã hội, tạo cơ hội làm việc và thu nhập cho một số gia đình khó khăn, từ đó hỗ trợ cho công tác xóa đói giảm nghèo.
THAM KHẢO THÊM: